Làm việc với tỉnh Bạc Liêu ngày 4/4, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh thống nhất với đề xuất của tỉnh về việc lùi ngày tổ chức Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu sang từ 24-29/4, thay vì 20-24/4 như kế hoạch ban đầu.
Lý do Bạc Liêu đưa ra là để gắn kết với dịp kỷ niệm 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và 128 năm ngày Quốc tế Lao động. Đây cũng là điều kiện để ban tổ chức chuẩn bị chu đáo hơn cho lễ hội.

Đờn ca tài tử đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Thoại Hà
Festival với chủ đề "Đờn ca tài tử, Tình người - Tình đất phương Nam" gắn với 21 hoạt động góp phần tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam bộ. Đáng chú ý là hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ, triển lãm nhạc cụ dân tộc, khánh thành dự án mở rộng khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Văn Cao Lầu, thi sáng tác lời mới 20 bản tổ đờn ca tài tử… Tại Festival lần này còn có 3 hoạt động mới là chương trình caravan xe cổ, công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại hai và thả diều nghệ thuật.
Hơn 3 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP HCM, Viện Âm nhạc Việt Nam và 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam và Trung bộ tiến hành kiểm kê lập hồ sơ "Đờn ca tài tử Nam bộ, Việt Nam" trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2012 Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao Du lịch quyết định đưa Đờn ca tài tử vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Cuối năm 2013, UNESCO chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật này của Việt Nam trong danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ái Nam