Những tay vợt huyền thoại như Bjorn Borg (Thụy Điển) hay Boris Becker (Đức) từng là động lực để những đợt sóng các tay vợt trẻ bản địa vươn lên thành danh ở cấp độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lớp huyền thoại kế cận như Roger Federer hay Rafael Nadal lại không có sức ảnh hưởng như thế ở quê hương.
Thụy Sỹ có hai tay vợt trong Top 10 thế giới là Federer và Stan Wawrinka, nhưng đều đã ngoài 30 tuổi. Đất nước này thậm chí không có bất kỳ tay vợt nào khác lọt vào Top 200. Federer thi đấu đỉnh cao hơn 12 năm, đủ lâu để những tay vợt gọi là "Tiểu Federer", tức là những người lấy tay vợt Thụy Sỹ làm thần tượng, như Grigor Dimitrov hay David Goffin phát triển và có danh hiệu cho riêng mình. Không ai trong số đó đến từ Thụy Sỹ.
"Chúng tôi có Stan (Wawrinka). Cậu ấy không phải trẻ hơn tôi à", Federer nửa đùa nửa thật trả lời ở Wimbledon. "Thụy Sỹ có núi Alps. Và rõ ràng là người ta có xu hướng thích trượt tuyết, hockey trên băng và những môn tương tự. Bóng đá cũng được hâm mộ rộng khắp".
"Tôi nghĩ quần vợt bây giờ đã thu mình lại, không giống như thời điểm Boris và Steffi gây sốt ở Đức. Mức độ cuồng nhiệt như thế không thể xảy ra lần nữa".
Phải mất khá lâu Federer mới tạo dựng độ ảnh hưởng ở quê nhà. Anh không trở thành một tên tuổi lớn mãi cho đến năm 2005, khi đã giành sáu Grand Slam, bao gồm ba danh hiệu Wimbledon liên tiếp.
"Rất khó để gây sự chú ý của người Thụy Sỹ. Đứng ở vị trí số một trong một vài năm mới khiến họ thật sự công nhận khả năng của tôi", Federer chia sẻ.
Tìm lớp tay vợt kế thừa cho Federer và Wawrinka là điều vô cùng khó khăn. Ở vòng một Davis Cup 2015, Federer và Wawrinka không thi đấu vì đã vô địch năm ngoái. Tay vợt số ba Thụy Sỹ Marco Chiudinelli chấn thương. Thụy Sỹ không có ai gánh vác, dẫn đến kết quả bị loại ngay từ vòng một bởi tuyển Bỉ.
Federer trưởng thành từ chương trình phát triền của Liên đoàn quần vợt Thụy Sỹ và trợ giúp của gia đình. Nhưng nguồn tài trợ thêm vào để phát triển hơn đến từ sự thành công sớm của anh.
"Tôi nghĩ Liên đoàn đang làm tốt nhiệm vụ. Họ đã mở rộng trung tâm huyến luyện. Chúng tôi có nhiều tay vợt trẻ đi ra từ đó, một môi trường tốt mà tôi cũng từng là học viên. Tôi hy vọng điều đó sẽ mang lại kết quả, có thể trong 10 năm tới", tay vợt có 17 lần vô địch Grand Slam nói.
Ở Tây Ban Nha hiện tại vẫn khả quan nhưng tương lai sẽ đầy thách thức. Đất nước này có 12 tay vợt trong Top 100, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Nhưng hơn một nửa số đã ngoài 30 tuổi. Nadal, 29 tuổi, là tay vợt trẻ nhất của xứ bò tót có mặt trong Top 50 hiện tại. Tay vợt Tây Ban Nha dưới 27 tuổi trong Top 100 hiện tại chỉ có Pablo Carreno Busta.
"Trong 20 năm qua, Tây Ban Nha có rất nhiều tay vợt trẻ tài năng. Hiện tại, tôi là người trẻ nhất. Tôi cũng không biết tại sao", Busta nói.
Busta, 23 tuổi, đã mở to mắt ngạc nhiên khi được hỏi liệu anh có sẵn sàng trở thành lá cờ đầu của quần vợt Tây Ban Nha vài năm tới. "Dĩ nhiên rất khó để được như Nadal hay David Ferrer. Tôi chỉ cố hết sức thôi".
Rất nhiều học viên quần vợt ở Tây Ban Nha và Liên đoàn nước này đã nỗ lực tìm kiếm lứa kế thừa nhưng biện pháp có lẽ vẫn làm nhiều người không thể hưởng ứng.
Radal chỉ trích Liên đoàn quần vợt Tây Ban Nha: "Họ chẳng làm gì để giúp ích các tay vợt trẻ, kể cả chúng tôi những người kỳ cựu. Chúng tôi phải tự lo lấy cho bản thân".
"Tôi nhận được lời đề nghị khá tồi từ Liên đoàn. Vậy nên tôi tự tham gia giải trẻ Wimbledon. Tôi dùng tiền túi trả chi phí đi lại, sinh hoạt, tất cả mọi thứ. Trong khi những tay vợt được Liên đoàn coi trọng, họ được bao mọi chi phí".
Busta, tay vợt người Tây Ban Nha trẻ nhất nằm trong Top 100 không cùng quan điểm với người đàn anh.
"Tôi được hỗ trợ nhiều từ Liên đoàn. Tôi luyện tập khoảng năm đến sáu năm dưới sự giúp đỡ của họ. Tôi thi đấu quần vợt vì Liên đoàn trả tiền cho tôi làm điều đó", Busta nói.
"Có thể quần vợt Tây Ban Nha đang gặp khó khăn, nhưng năm hay mười năm nữa, tôi nghĩ các tay vợt trẻ của chúng ta sẽ lại gây ấn tượng tốt".
Khởi Nguyên