Ngày 18/12, Fed quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,25-4,5%, tức hạ 25 điểm cơ bản (0,25%). Đây là lần thứ ba liên tiếp cơ quan này giảm lãi suất. Hai lần trước, các mức giảm lần lượt là 0,5% và 0,25%.
"Hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và lạm phát tăng vừa phải", Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc Fed nhận xét trong thông báo. Họ cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các số liệu sắp tới, cả về triển vọng và rủi ro, để ra quyết định lãi suất.
Điều này làm dấy lên ngờ vực Fed dừng giảm lãi trong cuộc họp cuối tháng 1/2025. Năm tới, quan chức Fed kỳ vọng chỉ hạ lãi suất 2 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Họ cũng nâng dự báo lạm phát trong năm đầu tiên ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ từ 2,1% lên 2,5%. Tốc độ này cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Việc lạm phát hạ nhiệt chậm đang khiến Fed giảm tốc độ nới lỏng tiền tệ. Lãi suất năm 2027 có thể chỉ về 3,1%, thay vì 2,9% như dự báo hồi tháng 9.
Sau điều chỉnh của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức quay đầu giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 hiện giảm 0,6%, DJIA mất 0,54% và Nasdaq Composite với 0,68%.
Giá vàng thế giới cũng lao dốc thẳng đứng. Mỗi ounce mất 20 USD chỉ trong 10 phút, về 2.617 USD.
Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Đây không phải mức người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả, nhưng động thái của Fed ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, tiết kiệm.
Khi lãi suất thấp, chi phí đi vay rẻ hơn, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án mới hoặc tuyển thêm nhân viên. Tương tự, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn do gửi tiết kiệm kém hấp dẫn.
Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất một năm, tác động từ việc điều chỉnh này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Điều này lý giải vì sao lãi suất tại Mỹ tăng từ đầu 2022, nhưng một năm sau lạm phát mới bắt đầu hạ nhiệt.
Gần một năm rưỡi qua, Fed đã nâng lãi suất 11 lần để ghìm lạm phát.
Hà Thu (theo Reuters)