Dưới đây là chia sẻ của ông Olivier Raussin - Giám đốc quỹ đầu tư FEBE Ventures - về tác động của Covid-19 tới hoạt động gọi vốn ở Việt Nam và cách các startup Việt Nam cần phải phản ứng.
- FEBE Ventures hoạt động như thế nào?
- FEBE là từ viết tắt của For Entrepreneurs, By Entrepreneurs (Dành cho nhà sáng lập, bởi nhà sáng lập), được sáng lập và quản lý bởi Eric Merlin, Jean-Marc Merlin và tôi. Quỹ có số vốn 25 triệu USD được đăng ký tại Singapore nhằm tập trung vào thị trường Việt Nam.
Eric và Jean-Marc Merlin là những nhà sáng lập của Tập đoàn AppleTree, được thành lập tại Việt Nam vào năm 1993 với một văn phòng duy nhất và ba nhân viên. Tập đoàn đang hoạt động tại 21 quốc gia với hơn 4.500 nhân viên và bao gồm hơn 20 công ty như Annam Gourmet, Exo Travel. Bản thân tôi cũng là một doanh nhân, đã xây dựng 13 startup bắt đầu từ con số không và có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tại châu Mỹ Latin, châu Âu. Trước đó, tôi đã làm việc tại Google, YouTube và Microsoft với tư cách là giám đốc cấp cao.
FEBE đã thu hút các nhà đầu tư có uy tín. Họ chính là những nhà sáng lập, doanh nhân từ châu Á, Mỹ, châu Âu và các giám đốc điều hành cấp cao tại Linkedin, Google, Netflix & Goldman Sachs.
Bản thân là những doanh nhân, chúng tôi hoạt động với triết lý luôn thân thiện với nhà sáng lập, quy trình đầu tư nhanh, các điều khoản công bằng, và luôn sẵn sàng hỗ trợ vận hành doanh nghiệp.
Chúng tôi rất lạc quan về hệ sinh thái startup của Việt Nam, nơi có rất nhiều nhà sáng lập tài năng, những người có thể xây dựng nên những công ty lớn tại Đông Nam Á. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện 4 khoản đầu tư và đang hoàn tất thêm 2 khoản đầu tư khác.
- Ông thường tìm kiếm điều gì trong một startup?
- Chúng tôi tìm kiếm hai điều chính:
Thứ nhất là đội ngũ sáng lập tuyệt vời. Đây là điều tối trọng với một startup và chúng tôi muốn hợp tác với những nhà sáng lập giỏi, kinh nghiệm nhất.
Thứ hai là thị trường lớn. Chúng tôi đầu tư vào các công ty đang theo đuổi một thị trường lớn. Nếu kế hoạch kinh doanh của bạn hướng tới một thị trường lớn trong 8-10 năm tới, bạn chính là những gì chúng tôi đang tìm kiếm.
- Những tiêu chí nào là quan trọng nhất đối với ông trong việc tìm kiếm một startup?
- Khởi nghiệp luôn vô cùng khó khăn vì phải mất nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn. Bạn không thể chờ đợi ai đó đưa cho bạn một lộ trình. Bạn phải có khả năng tự lập chiến lược và đồng thời thực hiện nó. Đó là lý do tại sao tiêu chí quan trọng nhất đối với chúng tôi luôn là đội ngũ sáng lập.
- Quỹ của các ông hoạt động như thế nào thời Covid-19?
- Các doanh nghiệp, không loại trừ những công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi, đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình và đưa ra sự hỗ trợ cho các công ty bất cứ khi nào có thể.
Chúng tôi cảm thấy may mắn khi đang ở Việt Nam, nơi mà sự can thiệp của Chính phủ đã có được thành công lớn. Chúng tôi lạc quan rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên bắt đầu giai đoạn phục hồi.
- Quan điểm đầu tư của ông đã thay đổi như thế nào trong tình hình hiện tại?
- Quan điểm đầu tư cốt lõi của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi đầu tư vào phần lớn các ngành có ứng dụng công nghệ (Giáo dục, Y tế, Logistics, Tài chính, O2O, Mobility...) và đang tìm kiếm các startup có thể phát triển quy mô theo cấp số nhân, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường của họ.
Một số ngành như du lịch đang gặp khó khăn, nhưng mặt khác, một số ngành đang bùng nổ trong giai đoạn thách thức hiện nay: giao đồ ăn, giáo dục trực tuyến, công nghệ chăm sóc sức khỏe, chơi game, giải trí kỹ thuật số, giải pháp phần mềm văn phòng tại nhà...
Khủng hoảng thường mang đến sự thay đổi lớn về thói quen người dùng và những cơ hội cho các startup sáng tạo, linh hoạt. Do hoàn cảnh bắt buộc, các startup mới sẽ ra đời, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ lối sống mới: trong tiêu dùng hàng ngày, công việc, quảng cáo, truyền thông, giáo dục...
Chúng tôi rất kén chọn đầu tư và ưu tiên các mô hình kinh doanh có biên lợi nhuận tốt, yêu cầu về vốn không quá cao. Tư duy tăng trưởng bằng mọi giá không còn được nhà đầu tư khuyến khích ở hiện tại.
- Lời khuyên của ông dành cho startup, những người đang cố gắng đối phó với đại dịch là gì?
- Các đối tác của FEBE đã từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bong bóng Dotcom và cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Chúng ta đang sống trong một thời điểm khủng hoảng và phức tạp, vì vậy chúng tôi xin đưa ra những đánh giá và lời khuyên khiêm tốn cho các nhà sáng lập như sau:
Thông tin minh bạch và nhân văn đối với các bên liên quan, bao gồm nhân viên, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư.
Tiền mặt là vua. Hãy cố gắng cắt giảm chi phí không cần thiết. Hãy chuẩn bị cho cả 2 kịch bản xấu nhất và tốt nhất. Giảm tốc độ chi tiêu để tăng khả năng thanh toán và cải thiện dòng tiền của công ty.
Dừng tất cả dự án phụ và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc huy động vốn mới sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, tốt hơn là hãy tiếp tục xây dựng mối quan hệ của bạn với các nhà đầu tư hiện tại.
Để bổ sung cho ý kiến ở trên, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều yếu tố tích cực cho các startup công nghệ ở Việt Nam:
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa qua, nhiều công ty thành công đã được thành lập, như Square, Dropbox, Slack, Uber, AirBnb...
Khủng hoảng thường mang đến sự thay đổi thói quen và những cơ hội mới.
Chi phí hoạt động (tiếp thị, thuê địa điểm, văn phòng...) đã giảm, cho phép các startup tăng trưởng với chi phí thấp hơn.
Các Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á vẫn còn nhiều dự trữ tiền mặt để đầu tư ít nhất trong 3 năm tới.
Các startup có khả năng thích nghi, quyết đoán và nhanh nhạy sẽ tìm thấy cơ hội mới để tăng trưởng, theo đuổi nhiều cơ hội hợp tác hoặc mua bán và sáp nhập.
Covid-19 hiện là một trong những rào cản đầy thách thức, nhưng chúng tôi tin tưởng một cách lạc quan rằng, với tính thực dụng và khả năng phục hồi, những nhà sáng lập startup Đông Nam Á sẽ thích nghi và sớm nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
(Nguồn: FEBE Ventures)