Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận chuyển đổi FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Trước đó, Vincapital tiết lộ công ty cho vay tiêu dùng của VPBank khả năng sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trong năm nay và đây sẽ là chất xúc tác chính cho giá cổ phiếu VPB. Nếu đúng theo kế hoạch này, việc chuyển đổi thành công ty cổ phần là cần thiết về mặt pháp lý để FE Credit có thể IPO.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận tăng vốn điều lệ của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thêm 5 tỷ lên mức 7.333 tỷ đồng. Năm 2019, lãi trước thuế của FE Credit đạt gần 4.490 tỷ, đóng góp hơn 43% vào lợi nhuận của VPBank.
Lợi nhuận của công ty có dấu hiệu chững lại trong ba năm gần đây. Tuy nhiên, chia sẻ với cổ đông trong đại hội cổ đông 2019, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định FE Credit vẫn là "mô hình kinh doanh quan trọng và hiệu quả" của ngân hàng. Ông Vinh nói rằng, dù vấp phải nhiều khó khăn khi tăng trưởng tín dụng mảng này giảm tốc, FE Credit vẫn tăng được thị phần từ 53% lên 55%
Tính đến hết năm 2019, dư nợ cho vay của FE Credit là 60.594 tỷ đồng, tăng trưởng gần 14%. Tỷ lệ nợ xấu là 6%. Tính đến cuối 2019, cơ cấu vốn của FE Credit gồm 18% là vốn chủ sở hữu và quỹ, 23% là vay nợ nước ngoài, 8% vay nợ trong nước, 4% là tiền gửi có kỳ hạn, phát hành giấy tờ có giá chiếm tới 43%, nợ khác là 5%.
VPBank mua lại Công ty Tài chính Vinacomin năm 2014, đổi tên thành FE Credit và đang chiếm khoảng một nửa thị phần các công ty cho vay tiêu dùng.
Quỳnh Trang