Mary Jo Laupp, một người dùng Tiktok, được cho là đã dẫn đầu nỗ lực trên mạng xã hội nhằm "phá hoại" cuộc mít tinh của Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Laupp đã đăng một video kêu gọi mọi người đăng ký tham dự sự kiện nhưng không đến.
Lời kêu gọi của Laupp đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi, với hơn 700.000 lượt thích video của cô, cùng sự hưởng ứng của nhiều fan K-pop (nhạc pop Hàn Quốc).
Hai fan K-pop hôm 21/6 cho biết mỗi người đã đăng ký hai chỗ, nhưng không dùng tên và số điện thoại thật.
"Ban đầu, tôi nghe đến kế hoạch đăng ký ảo này từ các fan của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, rồi sau đó thấy video trên Tiktok và tôi đã ồ lên, mọi thứ sẽ bùng nổ đây", Raq, một sinh viên 22 tuổi và là cử tri của đảng Dân chủ ở bang Minnesota, cho biết.
Raq cho hay lý do chính khiến cô có mặt ở cuộc mít tinh của Trump là vì nó diễn ra ở Tulsa, nơi từng chứng kiến vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Phi đẫm máu nhất lịch sử Mỹ khoảng 100 năm trước.
Em, một học sinh 17 tuổi ở bang Kansas, cũng nói rằng cô biết kế hoạch của Laupp qua video trên Tikok. Nhiều bài viết chia sẻ thông tin này trên Twitter hiện đã bị xóa. "Tôi nghĩ một phần trong số đó là những người dùng Tiktok và fan K-pop, nhưng cũng có những người không thích Trump như ông ấy nghĩ", Em nói.
Các fan của nhạc Hàn Quốc đã bày tỏ ủng hộ với phong trào chống phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội trong những tuần qua. Xô xát đã xảy ra bên ngoài địa điểm tổ chức mít tính của Trump giữa khoảng 30 người biểu tình và một số người ủng hộ ông.
Sự kiện ở Tulsa là cuộc mít tinh vận động tranh cử đầu tiên sau ba tháng của Trump và ban tổ chức ban đầu cho hay có hơn một triệu người đã đăng ký tham dự. Tuy nhiên, trung tâm BOK với 19.000 chỗ ngồi vẫn còn rất nhiều ghế trống tối hôm đó. Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence cũng phải hủy bài phát biểu ngoài trời, vốn được chuẩn bị trong trường hợp hội trường kín chỗ.
Sở Cứu hỏa Tulsa cho biết chỉ khoảng 6.200 người có mặt tại cuộc mít tinh của Trump. Nhiều cử tri đội mũ hoặc mặc áo phông mang khẩu hiệu "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại", nhưng rất ít người đeo khẩu trang.
Số ca nhiễm nCoV tại Oklahoma đã vượt 10.000 và tăng mạnh trong vài ngày gần đây. Giới chức y tế bang cảnh báo việc tụ tập đông người trong không gian kín có thể khiến Covid-19 lây lan mạnh. Người tham dự sự kiện phải ký giấy cam kết không kiện chiến dịch tranh cử của Trump hay địa điểm tổ chức nếu nhiễm nCoV từ buổi mít tinh.
Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump, cho hay họ đã loại bỏ "hàng chục nghìn" số điện thoại không có thật khi tính toán số người có khả năng tới dự sự kiện. Ban tổ chức đổ lỗi cho truyền thông kích động cử tri không tham gia mít tinh và gây rối bên ngoài trung tâm BOK.
Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez ca ngợi những thiếu niên đã tham gia "trò chơi khăm" Trump trên Tiktok. "Các fan K-pop, chúng tôi đã chứng kiến và cũng đánh giá cao đóng góp của các bạn trong cuộc chiến vì công lý", bà viết trên Twitter.
Chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden bác bỏ cáo buộc liên quan đến kế hoạch phá hoại sự kiện của Trump. "Donald Trump đã từ bỏ vị trí lãnh đạo và không có gì ngạc nhiên nếu người ủng hộ phản ứng bằng cách bỏ rơi ông ấy", một phát ngôn viên nói.
Anh Ngọc (Theo Reuters)