Phó Chủ tịch Facebook Guy Rosen chia sẻ trên blog rằng, ba thách thức trong việc xử lý thông tin sai trên mạng xã hội gồm: tài khoản giả mạo, hành vi lừa đảo và các nội dung có hại hoặc gây hiểu lầm.
Ông cho biết Facebook "chặn hàng triệu tài khoản giả mạo mỗi ngày". Từ tháng 10 đến 12/2020, đã có 1,3 tỷ tài khoản dạng này bị vô hiệu hóa. Các tài khoản giả mạo có thể được sử dụng trong các "hành vi không xác thực phối hợp" (CIB - Coordinated Inauthentic Behavior) nhằm thao túng cuộc tranh luận. Facebook cho biết đã có khoảng 100 mạng lưới CIB bị xóa trong ba năm qua. Với hành vi lừa đảo, mạng xã hội này xây dựng các đội nhóm, kết hợp với sử dụng AI hỗ trợ để phát hiện gian lận và các chiêu dụ nhấp chuột clickbait.
"Thông tin sai lệch đôi khi được đăng bởi cả những người có ý tốt", đại diện Facebook nhận định, đồng thời cho biết đã xây dựng mạng lưới toàn cầu với 80 người, chuyên xác thực thông tin ở 60 ngôn ngữ khác nhau.
Bài viết của đại diện Facebook được đăng trong bối cảnh Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ tổ chức phiên điều trần về vai trò của các mạng xã hội trong việc thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và thông tin sai lệch. Phiên điều trần dự kiến được tổ chức ngày 25/3 qua hình thức trực tuyến.
Thời gian qua, tin giả và thông tin sai lệch liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội. Tại Việt Nam, nhiều thông tin trên Facebook về người nhiễm Covid-19, cách thức chữa Covid-19, việc cách ly, cho nghỉ học... được Trung tâm tin giả của Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện, cảnh báo. Facebook cho biết có khoảng 12 triệu nội dung về dịch bệnh và vaccine bị xóa thời gian qua.
Năm 2019, Facebook cũng từng công bố việc xóa tài khoản giả ở mức kỷ lục: 3 tỷ tài khoản giả mạo trong 5 tháng. Khi đó, Facebook thống kê có khoảng 5% số người dùng hàng tháng không có thật.
Lưu Quý