"Hàng tỷ người dùng lên Facebook và Instagram mỗi ngày để chia sẻ những câu chuyện, kết nối với người cùng sở thích và khám phá nội dung. Để trải nghiệm mỗi người được cá nhân hóa hơn, chúng tôi dùng AI để quyết định nội dung nào sẽ xuất hiện trên bảng tin", Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Meta, viết trên blog của công ty cuối tháng 6.
Clegg cho rằng với tiến bộ vượt bậc của AI, mọi người vừa hào hứng vừa lo sợ, nên cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại này là thẳng thắn và cởi mở.
Cách AI phân bổ nội dung
Meta cho biết, hầu hết nội dung trên Facebook, Instagram được chia làm 22 "thẻ hệ thống". Mỗi thẻ chứa thông tin chi tiết về cách AI xếp hạng và đề xuất nội dung. Thuật toán sẽ dự đoán giá trị của tin tức với từng người dùng, từ đó quyết định cái gì sẽ được ưu tiên xuất hiện ở vị trí tốt.
Đầu tiên, AI phân tích hành vi, thói quen, sở thích của mỗi người từ những bài họ đăng hoặc chia sẻ lại. Hệ thống sẽ xếp bài đăng vào một trong 22 thẻ tương ứng. Từ đó, AI lựa chọn nội dung cùng loại để phân phối ngược lại trên bảng tin của người dùng. Tuy nhiên, Meta cũng lưu ý họ dùng một số thuật toán, thước đo khác để phân phối thông tin chứ không chỉ dựa vào 1-2 phép tính đơn giản. Ví dụ, AI còn đánh giá bài viết đó có giá trị với người dùng không để tiếp tục đề xuất những bài khác trong tương lai.
"Chúng tôi kết hợp các yếu tố để dự đoán nội dung gần nhất với sở thích người dùng. Nhiều thuật toán dựa vào hành vi, số khác lại dựa trên các khảo sát và phản hồi của người dùng", Clegg nói.
Mạng xã hội cũng dùng AI để lọc và loại bỏ nội dung có hại nhằm giúp hạn chế việc phân phối những bài viết chấp lượng thấp. Nền tảng cũng đang cố gắng xóa nội dung xấu khỏi bảng tin người dùng nhưng không tiết lộ tiêu chí cụ thể do lo ngại người dùng có thể "lách luật".
Thời gian tới, Facebook sẽ cho phép người dùng click vào một nội dung, xem lại lịch sử hoạt động để hiểu vì sao AI lại đề xuất nội dung này đến mình. Meta cho biết sau khi thử nghiệm trên Facebook, tính năng này sẽ được mở rộng sang Instagram.
Lựa chọn của người dùng
Clegg nói Facebook cũng cung cấp cho người dùng một số công cụ để tự chọn trải nghiệm của mình với AI. Nếu không muốn trí tuệ nhân tạo phân phối nội dung, người dùng có thể bật chế độ "Không cá nhân hóa" trong phần cài đặt.
Trong mỗi video, bài viết được đề xuất, họ cũng có thể thông báo cho nền tảng biết họ quan tâm hoặc không quan tâm. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ có những tùy chọn khác như hiển thị thêm hoặc hiển thị ít hơn nội dung tương tự. Người dùng có thể tìm thấy tùy chọn này trong phần cài đặt mở rộng.
Mạng xã hội cho biết đã phát hành hơn 1.000 mô hình AI, thư viện, dữ liệu cho toàn bộ người dùng, nhà nghiên cứu nhằm minh bạch tối đa thuật toán. Người phát ngôn của Meta tiết lộ trong vài tuần tới, họ sẽ bắt đầu triển khai bộ công cụ mới dành cho các nhà nghiên cứu, trong đó có Thư viện nội dung Meta và API.
Thư viện gồm dữ liệu từ các bài đăng, trang, nhóm và sự kiện công khai trên Facebook. Dữ liệu từ Thư viện có thể được tìm kiếm, khám phá và lọc trên giao diện đồ họa người dùng hoặc thông qua API lập trình.
The Verge đánh giá sự bùng nổ của AI thời gian qua đã thu hút sự chú ý lớn của cơ quan quản lý khắp thế giới. Nhiều người lo ngại các nền tảng lớn như Meta dùng AI để thu thập, quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng. Sau bài học quản lý sai dữ liệu người dùng trong vụ bê bối Cambridge Analytica, CEO Meta Mark Zuckerberg có thể đang muốn chủ động hơn trong việc minh bạch hoạt động với người dùng và cơ quan quản lý.
Khương Nha (theo The Verge)