Wall Street Journal của Mỹ cho biết Facebook từng tiến hành nghiên cứu dài hai năm nhằm đánh giá liệu mạng xã hội này có khiến người dùng ngày càng phân cực hóa hay không.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng điều đó là sự thật và vạch ra hàng loạt thay đổi với nền tảng này nhằm ngăn người sử dụng phỉ báng và lăng mạ lẫn nhau. Tuy nhiên, các lãnh đạo hàng đầu của Facebook đã từ chối thực hiện phần lớn các đề xuất đó.
Thúc đẩy đối thoại cởi mở giữa những người có quan điểm khác nhau là không dễ dàng, không ai biết chắc liệu công ty này có hành động đúng không khi loại bỏ những ý tưởng mới, như lập nơi dành riêng cho các bậc cha mẹ tranh luận về vấn đề có tiêm vaccine hay không.
"Có hai câu hỏi được đặt ra hiện nay về cách vận hành của Facebook. Đầu tiên là có phải chính trị, chứ không phải nguyên tắc cơ bản, đang là động lực dẫn tới những quyết định của Facebook hay không. Bên cạnh đó, Facebook khẳng định không muốn tự đưa ra những quyết định quan trọng về chính sách, nhưng tại sao họ vẫn làm điều đó một cách bí mật", ký giả Shira Ovide của NY Times bình luận.
Đây là những vấn đề quan trọng, bởi Facebook không phải một công ty bình thường. Cách họ thiết kế nền tảng thảo luận online đã định hình niềm tin và hành động của người dùng.
Một trong những ví dụ cụ thể là Facebook từng thừa nhận họ không thể ngăn chặn mạng xã hội của mình bị lợi dụng để kích động bạo lực, thanh trừng sắc tộc ở Myanmar. "Đó là lý do vì sao Facebook cần áp dụng những chính sách đúng đắn theo cách công bằng và minh bạch", Ovide nhận xét.
Wall Street Journal cho biết Facebook không áp dụng phần lớn thay đổi sau nghiên cứu một phần vì các nội dung cánh hữu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn cánh tả. Điều đó khiến tập đoàn này lo ngại phải đối mặt với các kiện cáo cho rằng Facebook có quan điểm chống phe bảo thủ.
Một số nhân viên Facebook tin rằng nỗi lo ngại trên là nguyên nhân khiến tập đoàn gần như không kiểm soát những phát ngôn chính trị trong các bài viết và quảng cáo. "Nếu họ chọn hướng đi để tránh chọc giận các chính trị gia nhất định, tất cả những người tham gia chính trị đều nên cảm thấy e dè. Đây không phải vấn đề đảng phái, Facebook ám ảnh với việc duy trì quan hệ tốt với những người nắm quyền lực", Ovide nói.
Các lãnh đạo Facebook khẳng định họ không ngả theo chính trị và khẳng định đang tiến hành những khoản đầu tư và thay đổi nhằm giảm sự phân cực hóa trong người dùng. "Điều đáng ngại là nghiên cứu nhiều năm về ảnh hưởng của Facebook với thế giới cũng được giữ kín hoàn toàn. Những gì xảy ra ở đó quan trọng đến mức phải được giữ bí mật", Ovide nhận xét.
CEO Mark Zuckerberg hồi năm 2015 từng khoe nghiên cứu cho thấy mạng xã hội không làm trầm trọng tình trạng "bong bóng lọc", trong đó người dùng chỉ thấy những thông tin khẳng định niềm tin của họ. Công chúng có thể đánh giá dữ liệu và thảo luận về những câu hỏi quan trọng liên quan đến xã hội.
Giờ đây, các cuộc thảo luận vĩ mô về ảnh hưởng của Facebook bị giới hạn trong những phòng hội thảo và bản tin nội bộ. Điều này trái ngược quan điểm của Facebook rằng họ muốn tiếp nhận góp ý từ các nhà lập pháp và công chúng về những chủ đề quan trọng, như ngăn tấn công mạng và phát biểu gây hại.
Nó cũng đi ngược nỗ lực hợp tác giữa Facebook và các tổ chức kiểm tra thông tin nhằm xây dựng cơ quan độc lập để giải quyết tranh chấp về những bài viết xâm phạm điều khoản sử dụng của công ty.
"Mọi người đáng lẽ không cần trông đợi vào các công ty riêng lẻ để xử lý những vấn đề đó. Chúng ta cần có cuộc tranh luận rộng mở về những gì xã hội muốn và biện pháp kiểm soát có thể làm được gì", Zuckerberg viết trên Washington Post hồi năm 2019.
Điệp Anh (theo NYTimes)