"Facebook là miễn phí, dành cho tất cả mọi người. Một số doanh nghiệp công nghệ lớn khác lại kiếm tiền bằng cách bán phần cứng, các dịch vụ đắt tiền, hoặc cả hai. Họ là một câu lạc bộ độc quyền, dành cho những ai khao khát mua với giá cao", Nick Clegg, Phó chủ tịch Facebook phát biểu tại một hội nghị ở Berlin (Đức) hôm 24/6.
Cũng theo Clegg, Facebook không độc quyền, mọi tầng lớp có thể tiếp cận sản phẩm mà họ đưa ra, thay vì chỉ dành cho một lượng người dùng nhất định. "Các dịch vụ của Facebook có thể được truy cập mọi nơi bởi sinh viên ở Guatemala, nông dân chăn nuôi gia súc ở Trung Tây nước Mỹ, nhân viên văn phòng ở Mumbai, công ty khởi nghiệp ở Nairobi hoặc tài xế taxi ở Berlin. Hơn 2 tỷ thành viên sử dụng nền tảng của chúng tôi, bởi vì họ có thể", Clegg ví dụ.
Dù không nhắm trực tiếp vào bất cứ thương hiệu cụ thể nào, Business Insider cho rằng Clegg đang ám chỉ Apple. Hiện công ty Cupertino (Mỹ) bán nhiều sản phẩm phần cứng đắt tiền, như iPhone giá 1.000 USD, chân đế máy tính giá 1.000 USD hay dịch vụ âm nhạc, TV, tin tức với mức phí hàng tháng cao hơn đối thủ cùng lĩnh vực.
Phát biểu của phó chủ tịch Facebook đưa ra một tuần sau khi CEO Apple Tim Cook nhấn mạnh đang có sự hỗn loạn do các công ty truyền thông xã hội tạo ra. "Tôi cảm thấy hơi điên khi bất kỳ ai cũng nói điều này, nhưng nếu bạn tạo ra một nhà máy hỗn loạn, bạn không thể né tránh trách nhiệm về sự hỗn loạn đó", Cook nói trong buổi gặp sinh viên Đại học Stanford hồi giữa tháng 6.
Dù không đề cập đến Facebook, một số chuyên gia cho rằng Cook đang ám chỉ mạng xã hội lớn nhất thế giới không coi trọng quyền riêng tư, không giải quyết triệt để vấn đề sau nhiều bê bối liên quan đến dữ liệu người dùng.
Tại sự kiện WWDC 2019 đầu tháng 6, Craig Federighi, Phó chủ tịch phụ trách mảng phần mềm của Apple khi nói về tính năng Sign in with Apple cũng nhấn mạnh về quyền riêng tư, đồng thời không quên "đá xéo" đối thủ. "Chúng tôi tin quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người và điều đó thể hiện trong mọi thứ chúng tôi làm", Federighi khẳng định.
Trong quá khứ, lãnh đạo Facebook và Apple từng "đấu khẩu" nhiều lần. Đề cập đến vụ Cambridge Analytica đầu 2018, Cook khẳng định mình sẽ không rơi vào trường hợp như CEO Facebook Mark Zuckerberg vì không kinh doanh dữ liệu người dùng. Năm 2014, khi nói về vấn đề thu thập dữ liệu và quyền riêng tư, người đứng đầu Apple nói: "Khi một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn không phải khách hàng. Bạn là sản phẩm". Đáp lại, Zuckerberg coi phát biểu của Cook là "lố bịch".
New York Times tiết lộ, kể từ Cambridge Analytica, Zuckerberg từng rất tức giận với Apple, cho rằng Cook đang "thổi phồng" về quyền riêng tư. Thậm chí cuối 2018, người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới còn yêu cầu đội ngũ quản lý dùng smartphone Android thay vì iPhone.
Bảo Lâm tổng hợp