Người dùng Facebook không ít lần thắc mắc rằng họ chat với bạn bè qua ứng dụng Messenger về một chủ đề nào đó, như sắp đi du lịch ở đâu, muốn mua đồng hồ gì... thì ngay sau đó, trên giao diện Facebook sẽ hiển thị những quảng cáo liên quan.
Trả lời Bloomberg, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, thừa nhận hệ thống của họ có quét các luồng hội thoại của người dùng trên ứng dụng tin nhắn. Tuy nhiên, mục đích của hoạt động này là để "xem xét nội dung được chia sẻ có đáp ứng các tiêu chuẩn cộng đồng hay không".
Phát ngôn viên của mạng xã hội cũng cho biết những thông tin thu thập được qua Messenger không hề được sử dụng với mục đích quảng cáo. Bên cạnh đó, người dùng có lựa chọn kích hoạt tính năng mã hóa tin nhắn, dù tính năng này không được bật mặc định.
Ngày 4/4, Giám đốc công nghệ Facebook Mike Schroepfer cũng cho hay lượng thông tin cá nhân bị rò rỉ trong bê bối Cambridge Analytica là 87 triệu người chứ không dừng lại ở 50 triệu. Do đó, Facebook đang có những biện pháp mới để tăng cường bảo mật như giới hạn quyền truy cập của các ứng dụng bên thứ ba, xóa các thông tin cuộc gọi, tin nhắn đã tồn tại hơn một năm trên hệ thống.
Quan trọng hơn, mạng xã hội sẽ bỏ tính năng hỗ trợ người dùng tìm kiếm các thành viên khác bằng số điện thoại hay email.
"Chúng tôi tin đa số người dùng Facebook hoàn toàn có thể bị đánh cắp dữ liệu bằng cách này, nên chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tính năng tìm kiếm qua số điện thoại và email cá nhân", ông Schroepfer chia sẻ.
Giữa tháng 3, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng. Chúng được thu thập bởi giảng viên Aleksandr Kogan và bán cho công ty Cambridge Analytica. Số dữ liệu này sau đó được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ vào ngày 11/4 tới.