Ông chủ Facebook và Giám đốc vận hành Sandberg họp với các nhóm nhân quyền tại Mỹ hôm 7/7 nhằm xoa dịu những chỉ trích nhằm vào mạng xã hội này, cũng như cho thấy cách họ xử lý các thông điệp gây thù hằn. Tuy nhiên, họ đã thất bại.
Trong cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn một giờ, Zuckerberg, Sandberg và ban lãnh đạo Facebook đã bàn luận về cách xử lý ngôn ngữ gây thù ghét với đại diện Liên minh Chống bôi nhọ (ADL), Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) và nhiều nhóm hoạt động khác. Đây là những tổ chức thúc đẩy chiến dịch "Stop Hate For Profit", dẫn tới việc hàng trăm tập đoàn, trong đó có Unilever và Best Buy, ngừng quảng cáo trên Facebook để phản đối phương án giải quyết nội dung thù hằn và tin giả của mạng xã hội này.
"Các nhóm hoạt động đã thảo luận về 10 yêu cầu với lãnh đạo Facebook nhằm ngăn các nội dung trên lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó có đề xuất Facebook tuyển lãnh đạo từng tham gia hoạt động về quyền dân sự, thường xuyên được kiểm tra bởi các tổ chức độc lập, cập nhật tiêu chuẩn cộng đồng", Jessica J. Gonzalez, đồng giám đốc nhóm vận động Free Press, cho biết.
Zuckerberg và Sandberg đồng ý đề xuất thuê lãnh đạo về quyền dân sự, nhưng không đạt được đồng thuận với những yêu cầu còn lại. "Các lãnh đạo Facebook tìm cách xoay chuyển tình thế và khởi động bộ máy PR mạnh mẽ. Họ đưa ra những luận điểm quen thuộc nhằm xoa dịu mà không phải đáp ứng đề xuất của chúng tôi", Gonzalez cho biết thêm.
Nhiều tổ chức hoạt động mô tả cuộc họp là "đáng thất vọng" và chỉ trích Facebook có nhiều sai lầm trong hoạt động. "Họ xuất hiện ở cuộc họp với hy vọng sẽ giành được ủng hộ. Sự hiện diện đơn thuần là không đủ", Rashad Robison, chủ tịch nhóm Color of Change, nói.
Facebook ra thông cáo cho biết tập đoàn có chung quan điểm với các nhóm hoạt động là "muốn mạng xã hội không có nội dung gây thù ghét". "Facebook đang thực hiện các bước đi nhằm loại bỏ sự thù ghét khỏi nền tảng của mình. Chúng tôi biết mình sẽ được đánh giá bởi hành động thay vì lời nói và biết ơn các tổ chức đã duy trì liên lạc", thông cáo của mạng xã hội sau cuộc họp có đoạn viết.
Làn sóng phản đối cho thấy Facebook còn lâu mới xoa dịu được những người chỉ trích, điều này sẽ càng dẫn tới nhiều vấn đề với người khổng lồ của Thung lũng Silicon. Mạng xã hội này đã đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong nhiều tuần qua về vấn đề đối phó tin giả và nội dung thù hằn, trong đó góp phần không nhỏ là những bài viết của Tổng thống Donald Trump và tình hình bất ổn do biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Các đối thủ như Twitter và Snap đã đánh dấu hoặc ẩn những bài viết bị coi là không chính xác hoặc gây kích động của Trump, trong khi Facebook từ chối hành động tương tự. Zuckerberg khẳng định cách tiếp cận này đề cao tầm quan trọng của tự do ngôn luận, cho rằng Facebook không phải người đánh giá các bài viết.
Quan điểm đó đã khiến nhiều người giận dữ. Nhiều nhân viên Facebook đã thể hiện sự phản đối bằng cách đình công ảo hồi tháng trước. Chiến dịch Stop Hate For Profit cũng là một trong những phản ứng của cộng đồng với mạng xã hội này.
Khi chiến dịch tẩy chay ngày càng mạnh, lãnh đạo Facebook đã có những giọng điệu hòa giải với các nhà quảng cáo và tổ chức hoạt động xã hội. Tập đoàn này đang có hơn 8 triệu nhà quảng cáo, mang lại 98% trong tổng doanh thu gần 71 tỷ USD mỗi năm của Facebook.
Facebook dự kiến công bố phần cuối cùng trong cuộc kiểm toán kéo dài nhiều năm về chính sách và cách thực thi quyền dân sự. Các chuyên viên kiểm toán đã đánh giá cách Facebook xử lý những vấn đề như phát biểu thù hằn, can thiệp bầu cử và thuật toán thiên vị.
"Kiểm toán chỉ có ý nghĩa khi Facebook thực sự xử lý các nội dung đó. Nó giống việc bạn đến bác sĩ và nhận được những khuyến cáo về chế độ ăn uống, nhưng không làm gì và tự hỏi tại sao bạn không khỏe lên", Robinson nói.
Sandberg dường như đã "chìa cành ô liu" trước cuộc họp khi đăng bài khẳng định tập đoàn này "có trách nhiệm lớn trong phát hiện và loại bỏ nội dung thù ghét". "Chúng tôi đang thay đổi, không chỉ vì mục đích tài chính hay áp lực từ các nhà quảng cáo, mà đó còn là điều đúng đắn phải làm. Nhiệm vụ chủ chốt của chúng tôi là xây dựng nền tảng để mọi người được thể hiện tiếng nói, nhưng nó không có nghĩa là chúng tôi chấp nhận phát tán sự thù ghét", bài viết có đoạn.
Tuy nhiên, cuộc họp lại đi vào lối mòn với những thảo luận giống những năm qua. "Các lãnh đạo Facebook có cuộc nói chuyện dễ chịu, nhưng không đưa ra hành động cụ thể nào", Derrick Johnson, giám đốc điều hành NAACP, cho biết và thêm rằng ông rất thất vọng khi lãnh đạo Facebook không có câu trả lời cho những yêu cầu của họ.
Ban lãnh đạo Facebook sau đó tiếp tục gặp một nhóm chuyên gia quyền dân sự, trong đó có Vanita Gupta thuộc Hội thảo Lãnh đạo về Quyền Dân sự và Con người (LCCHR). "Facebook đang đối mặt nhiều áp lực từ chiến dịch tẩy chay và chính nhân viên của mình. Yêu cầu của cộng đồng quyền dân sự là thống nhất, nhưng có nhiều chiến lược khác biệt đang được áp dụng. Nhiều vấn đề chưa được giải quyết trên mạng xã hội này", Gupta nói.
Còn nhiều nghi vấn về hiệu quả của chiến dịch tẩy chay nhằm thúc đẩy Facebook thay đổi. Zuckerberg tỏ ý kỳ vọng các nhà quảng cáo sẽ trở lại với nền tảng này trong một cuộc họp nội bộ tuần trước.
Một số hãng chỉ rút quảng cáo khỏi Facebook trong tháng 7, trong khi nhiều công ty hứa sẽ tránh xa mạng xã hội này cho tới khi họ thay đổi chính sách kiểm soát nội dung.
Phần lớn các công ty phản đối vẫn dùng Facebook để tiếp cận khách hàng, chủ yếu thông qua những bài viết không trả tiền. Tuy nhiên, hãng truyền thông Stuff lớn nhất New Zealand tuần này thông báo sẽ thử nghiệm ngừng mọi hoạt động trên Facebook và Instagram, sau khi chấm dứt quảng cáo trên mạng xã hội này từ năm ngoái.
Những người đứng đầu chiến dịch tẩy chay cho rằng mọi mạng xã hội, chứ không chỉ Facebook, cần cải thiện cách kiểm soát nội dung và chống phát biểu thù hằn. Tuy nhiên, Facebook bị soi xét kỹ nhất bởi đây là mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Ngay cả khi Facebook không phản ứng với các nhóm dân sự, Zuckerberg sẽ phải điều trần trước quốc hội Mỹ vào ngày 27/7 cùng lãnh đạo Apple, Google và Amazon. "Liệu ông ấy sẽ đứng về phía lẽ phải hay đối diện với trách nhiệm theo một cách khác", Gonzalez đặt câu hỏi.
Điệp Anh (Theo NY Times)