Ray-Ban Stories tích hợp hai camera 5 megapixel ở hai bên. Để quay phim, chụp ảnh, người dùng bấm vào một phím vật lý ở trên gọng, hoặc nói "Hey Facebook, take a video" ở chế độ rảnh tay, sau đó đồng bộ hóa với ứng dụng riêng mang tên Facebook View.
Bộ nhớ của kính cho phép lưu video 30 giây hoặc 500 bức ảnh.
Kính của Facebook tích hợp loa ở hai bên, cho phép phát nhạc hoặc nhận cuộc gọi qua Bluetooth. Người dùng có thể tăng giảm âm lượng qua tính năng cảm ứng trên gọng kính.
Kính cần khoảng một giờ để sạc đầy, sử dụng trong 6 giờ và có đèn trên thân kính để báo mức pin. Hộp đựng cũng kiêm luôn thiết bị sạc, tương tự các mẫu tai nghe True Wireless, và dùng cổng USB Type C.
Trong khi đó, Facebook View là ứng dụng cho phép chỉnh sửa và chia sẻ video và ảnh đã chụp từ kính lên ứng dụng của Facebook và các nền tảng khác.
So với các mẫu kính thông minh hiện nay, Ray-Ban Stories có thiết kế nhỏ gọn và thời trang hơn. Tuy nhiên, sản phẩm lại hạn chế nhiều về tính năng, như không có màn hình trên thân hoặc không thể điều khiển qua smartphone.
Với việc lấy khả năng chụp ảnh và quay video làm cốt lõi, Ray-Ban Stories về cơ bản là một phiên bản hoàn thiện hơn của kính Spectacles, được Snapchat cho ra mắt lần đầu năm 2016. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác nhiều năm giữa Facebook và tập đoàn kính mắt châu Âu EssilorLuxottica, công ty mẹ của Ray-Ban.
Dù bị giới hạn tính năng, một số chuyên gia cho rằng mẫu kính mới sẽ dễ tiếp cận người dùng hơn nhờ thiết kế thời trang và tính năng chụp ảnh, quay phim mọi lúc.
Ray-Ban Stories có giá 299 USD với mẫu cơ bản, 329 USD với bản dùng mắt kính phân cực và 379 USD cho một phiên bản đặc biệt khác. Sản phẩm có 20 màu, 3 kiểu gọng chính là Wayfarer, Round và Meteor, được bán đầu tiên tại Mỹ, Canada, Anh, Italy, Ireland và Australia.
Bảo Lâm (theo The Verge)