Thoả thuận khép lại vụ kiện được đệ trình lần đầu từ năm 2018 bởi người dùng Facebook ở California sau bê bối Cambridge Analytica khiến hơn 87 triệu tài khoản bị rò rỉ. Trong đơn kiện, phía nguyên đơn khẳng định Facebook vi phạm quyền riêng tư, tự ý thu thập và sử dụng thông tin chi tiết về họ mà chưa được phép.
Theo Reuters, việc chi 725 triệu USD để giải quyết kiện tụng là số tiền lớn nhất từng có trong một vụ kiện tập thể về quyền riêng tư tại Mỹ. Đây cũng là khoản tiền lớn nhất mà Meta từng phải bỏ ra để giải quyết một vụ kiện tập thể.
"Thỏa thuận lịch sử này sẽ đem lại sự nhẹ nhõm và có ý nghĩa cho tập thể trong vụ kiện về quyền riêng tư đầy phức tạp", Derek Loeser và Lesley Weaver, hai luật sư chính đại diện cho nguyên đơn, nói trong tuyên bố chung.
Như một phần của thỏa thuận, Meta sẽ không thừa nhận hành vi sai trái. Tuy nhiên, điều này phải được thẩm phán liên bang ở San Francisco chấp thuận.
Trong khi đó, đại diện Meta cho biết cách giải quyết này "vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng và cổ đông của chúng tôi". Công ty cũng khẳng định những năm qua đã "cải tiến cách tiếp cận quyền riêng tư và triển khai chương trình bảo mật toàn diện" sau bê bối.
Bê bối Cambridge Analytica bắt đầu từ 2015 khi công ty này mua dữ liệu từ Aleksandr Kogan, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge. Sự việc được Guardian thông báo cho Facebook và mạng xã hội đã cấm Kogan khỏi nền tảng của mình, đồng thời yêu cầu ông cũng như Cambridge Analytica chính thức xác nhận rằng họ đã xóa dữ liệu.
Tuy nhiên, đầu tháng 3/2018, Facebook mới biết Cambridge Analytica không hề xóa dữ liệu. Thông tin của 87 triệu thành viên Facebook được cho là đã bị khai thác cho mục đích chính trị, liên quan đến chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump. Scandal cũng khiến CEO Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Năm 2019, Facebook đồng ý trả 5 tỷ USD để giải quyết vụ điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và 100 triệu USD để dàn xếp cáo buộc từ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) liên quan đến Cambridge Analytica. Đến nay, vẫn còn một số vụ kiện nhằm vào Meta vì bê bối này.
Bảo Lâm