Theo báo cáo vừa gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), tại phần "những yếu tố rủi ro", Facebook cho biết, nhận thấy phản ứng tiêu cực đáng kể từ các nhà quản lý và cơ quan lập pháp sau khi công bố dự án hồi tháng 6. "Libra đã thu hút sự quan tâm lớn từ các chính phủ và nhà quản lý ở nhiều khu vực và chúng tôi mong muốn điều này được tiếp tục", Facebook cho hay.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Mỹ cho rằng, không thể chắc chắc thị trường có chấp nhận đồng tiền kĩ thuật số này hay không. "Như vậy, không thể đảm bảo rằng Libra hoặc các sản phẩm, dịch vụ liên quan sẽ ra mắt đúng kế hoạch hoặc thành hiện thực", Facebook nói.
Hãng công nghệ này thừa nhận, chưa có nhiều kinh nghiệm với tiền kĩ thuật số hay công nghệ blockchain. Do đó, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển và tiếp thị thành công các sản phẩm, dịch vụ trên.
Đầu tháng này, David Marcus – người đứng đầu dự án tiền ảo Libra và ví điện tử Calibra đã phải điều trần trước Ủy ban Ngân hàng (thuộc Thượng viện Mỹ) và Ủy ban Dịch vụ Tài chính (thuộc Hạ viện Mỹ). Tại cả hai phiên điều trần, ông Marcus đều phải đối mặt với những ý kiến không tốt, nghi ngờ từ các nhà lập pháp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng từng bày tỏ lo ngại với tiền ảo Libra. Sự e dè tương tự cũng được Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra.
Đầu tuần này, Facebook tuyên bố, từ nay đến lúc ra mắt tiền ảo, công ty sẽ làm việc cởi mở với tất cả bên liên quan. "Chúng tôi biết hành trình ra mắt Libra sẽ còn dài và chúng tôi không thể làm một mình. Cam kết với các nhà quản lý, lập pháp và chuyên gia là chìa khóa để dự án thành công. Đây cũng là lý do Facebook tiết lộ sớm về Libra", người phát ngôn của Facebook nói.
Tú Anh (theo CNBC)