Não trẻ không phát triển đúng cách nếu tiếp xúc quá nhiều với công nghệ cao, chuyên gia người Anh cảnh báo. Ảnh: Telegraph. |
Não của trẻ nhỏ không thể phát triển bình thường sau khi tiếp xúc quá nhiều với thế giới ảo ở tuổi quá nhỏ, chuyên gia này khẳng định.
Baroness Greenfield, giáo sư về dược lý học tại Đại học Oxford (Anh), cho biết việc giảm bớt các tiếp xúc trực tiếp giữa người với người khiến trẻ em phải vật lộn trong việc định hình những kỹ năng xã hội và các phản ứng tình cảm cơ bản.
Các bình luận của bà xuất hiện chỉ ít giờ sau khi một khảo sát trên các giáo viên trung học nước này cho thấy việc tiếp xúc quá nhiều với công nghệ cao đang làm giảm khả năng tập trung của trẻ trong lớp học. Cụ thể, hơn 3/4 số giáo viên được hỏi cho rằng khoảng thời gian chú ý của trẻ ngắn hơn trước đây.
Baroness Greenfield dẫn các số liệu cho thấy hơn một nửa trong số trẻ 13-17 tuổi hiện dành hơn 30 giờ mỗi tuần cho video game, máy tính, đọc sách trên mạng, dùng điện thoại và các công nghệ màn hình khác.
Bà cho biết não người tiến hóa theo môi trường xung quanh và cần một "môi trường kích thích" để tăng trưởng và phát triển hợp lý. Tuy vậy, việc lệ thuộc vào các mạng xã hội và gia tăng sử dụng game máy tính có thể đảo ngược các hoạt động của não.
Chuyên gia cho rằng một người chỉ có thể trưởng thành khi có trải nghiệm, và nếu trẻ em không được rèn luyện cách nhìn vào mắt người khác, "dịch" ngôn ngữ cơ thể của họ và sử dụng các giao tiếp phi ngôn ngữ hợp lý, chúng không thể thành thục trong những việc này.
Ngoài ra, các mạng xã hội như Facebook, Twitter với sự tương tác từng giây từng phút tạo ra một thế hệ với ham muốn như trẻ con là được phản hồi liên tục về cuộc sống của mình. Họ khao khát được mọi người theo dõi theo từng hoạt động của bản thân, tạo ra cái gọi là "khủng hoảng bản thể".
Thuận An (theo Telegraph)