Năm ngoái, có ý kiến rằng Mark Zuckerberg nên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 để có cơ hội trở thành người đầu tiên vừa đứng đầu nước Mỹ - quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, vừa là ông chủ Facebook - "quốc gia" đông dân nhất thế giới.
Năm nay, nhà đồng sáng lập Facebook đang gặp vô vàn khó khăn để lấy lại niềm tin của người dùng. Thậm chí, một số chuyên gia phân tích nhận định Facebook có nguy cơ sụp đổ sau scandal lộ thông tin mới đây và Mark Zuckerberg nên từ chức CEO.
Sau nhiều tháng ròng rã đối mặt với cáo buộc liên quan đến tin tức giả mạo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tuần này Facebook tiếp tục sa lầy khi công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện thu thập thông tin cá nhân trái phép của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Dữ liệu này được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử.
Zuckerberg cần tới 5 ngày mới lên tiếng, thừa nhận đã làm cho người dùng thất vọng. Quốc hội muốn Zuckerberg ra điều trần. Cổ phiếu của công ty giảm tới 9%. Chiến dịch xoá Facebook với hashtag #deleteFacebook nổ ra khắp thế giới.
Facebook hoạt động dựa trên ba yếu tố: giữ người sử dụng dính chặt vào màn hình càng lâu càng tốt, thu thập dữ liệu về hành vi của họ và thuyết phục các nhà quảng cáo trả hàng tỷ USD để tiếp cận người dùng qua những quảng cáo được cá nhân hoá. Facebook đương nhiên phải phát tán những thông tin thu hút sự chú ý để bán quảng cáo. Người dùng trả càng nhiều tiền, nội dung của họ sẽ càng đến được nhiều người, và những nội dung nhận được nhiều tương tác như bình luận, like, chia sẻ... sẽ càng được ưu tiên hiển thị.
Trong scandal mới nhất, khởi phát từ năm 2013, một giảng viên Đại học đã trả tiền cho những người trả lời ứng dụng khảo sát tâm lý. Ứng dụng này yêu cầu tiếp cận các thông tin như vị trí và danh sách bạn bè của họ. Có 27.000 người đồng ý tham gia. Với mạng lưới kết nối bạn bè, kết quả là tổng cộng 50 triệu người bị thu thập thông tin. Dữ liệu này cuối cùng rơi vào tay CA. Facebook đã phát hiện ra hành vi này và yêu cầu CA xoá dữ liệu từ năm 2015, nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Các nhà chức trách của Mỹ, EU và Anh cho biết họ đang chuẩn bị tiến hành điều tra Facebook. Dù không ai biết CA hưởng lợi bao nhiêu từ chiến dịch của Trump, nhưng những ồn ào đang diễn ra càng củng cố niềm tin của những người cho rằng ông Trump đã thắng cử một cách không công bằng.
Sự cố cũng một lần nữa cho thấy sự lỏng lẻo trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, sự dùng dằng không thừa nhận sai lầm của Facebook. Đầu năm 2017, trước thông tin rằng tin tức giả mạo trên mạng xã hội có thể chi phối kết quả bầu cử, Zuckerberg thậm chí cho rằng đó là "ý nghĩ điên rồ". Nhưng đến cuối năm đó, ông rút lại tuyên bố cũ và nói lấy làm tiếc vì đã dùng từ "điên rồ" để phản bác sự việc. Phát biểu này được đưa ra sau khi Facebook tìm thấy bằng chứng cho thấy các tài khoản có xuất xứ từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo nhằm "khuếch đại" các thông điệp chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ.
Facebook sẽ không bị cấm hoạt động, hay người dùng sẽ bỏ Facebook mà đi, nhưng mạng xã hội này sẽ còn gặp nhiều rắc rối. Theo Washington Post, Facebook về lý thuyết có thể bị phạt 40.000 USD/người dùng bị lộ thông tin, tức nếu nhân lên với 50 triệu người thì sẽ là số tiền khổng lồ. Điều này thực tế sẽ không xảy ra, nhưng nếu bị phạt thì con số cũng sẽ rất nặng nề với Facebook.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu Pew Research Centre, rất nhiều người Mỹ nói họ không tin các công ty mạng xã hội. Facebook và các mạng xã hội nói chung cần thay đổi, một cách nhanh chóng.
Hồi tháng 12, CB Insights thực hiện cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dùng Facebook tin mạng xã hội này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội trong 10 năm tới. Còn theo Statista, nhiều người có cảm giác giận dữ với Facebook hơn với cả Amazon, Google, Microsoft và Apple.
Đầu tháng 2/2018, Zuckerberg thừa nhận tổng số thời gian người dùng dành cho mạng xã hội lớn nhất thế giới đã giảm 5%. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, lượng người dùng Facebook ở Mỹ và Canada sụt giảm.
Trước đó, chia sẻ trên Business Insider, Brian Wieser, chuyên gia phân tích của Pivotal Research, cho biết thời gian mà người sử dụng dành cho Facebook đã giảm trong hai tháng liên tiếp. Số thành viên Facebook vẫn tăng cao, nhưng thời lượng sử dụng Facebook (như số lượt xem, thời gian truy cập...) lại giảm 0,1% trong tháng 9/2017 và giảm 0,9% trong tháng 8/2017 so với năm 2016. Nói cách khác, người dùng đang không thực sự sử dụng Facebook nhiều như trước.
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook luôn nói về sự minh bạch và trung lập của công nghệ. Nhưng những phát hiện gần đây về mạng xã hội này cho thấy Facebook không hề "ngây thơ" như vậy. Dù cố ý hay chỉ là bị lợi dụng, cũng không thể phủ nhận Facebook có vai trò ngày càng sâu trong những góc khuất chính trường thế giới.
Minh Minh (theo Economist)