Cuối tuần trước, The Verge cho biết, một lỗi trong thuật toán sắp xếp thứ hạng tin tức dẫn đến tình trạng lượt xem thông tin sai lệch, bạo lực và nội dung gây khó chịu trên Facebook tăng 30% trong suốt sáu tháng. Sự cố khiến không ít người đặt câu hỏi về chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật vốn là những chuyên gia hàng đầu đứng sau hệ thống của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Theo Fortune, báo cáo cũng để ngỏ hàng loạt câu hỏi quan trọng hơn từ người dùng đối với Facebook: Thực tế có bao nhiêu bài viết sai lệch đã được quảng bá không đúng cách? Các bài này nhận bao nhiêu lượt xem bổ sung do lỗi? Những nội dung nào bị phát tán nhiều nhất? Mất 6 tháng để sửa một lỗi, Facebook đã cồng kềnh tới mức nào?
Joe Osborne, phát ngôn viên của Meta, khẳng định "lỗi không có nhiều tác động lâu dài đến các nội dung mà mọi người đã xem". Dù vậy, ông không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào cho những công bố của mình.
Giới chuyên gia đánh giá, việc Meta không thể đưa ra dữ liệu càng củng cố một số nhận xét trước đây về Facebook: Một con quái vật không thể kiểm soát.
"Facebook vẫn đang truyền đi các loại nội dung độc hại vào vô số bộ não mỗi ngày", Fortune bình luận. "Kể cả khi nỗ lực hết sức, họ vẫn không thể tìm ra cách giải quyết vấn đề thông qua những thứ mà họ đang làm như AI, kiểm duyệt nội dung thủ công hoặc hạ cấp bài đăng theo thuật toán".
Sahar Massachi, đồng sáng lập Integrity Institute và từng là thành viên nhóm liêm chính của Facebook, cho rằng sự cố mới nhất của Facebook thực ra khó tránh khỏi và có thể hiểu được. "Trên mạng xã hội hiện nay, người dùng dường như bị bỏ rơi khi các giao thức an toàn trở nên tồi tệ. Chúng ta cần sự minh bạch thực sự để xây dựng một hệ thống trách nhiệm và bền vững", bà nói.
Theo Business Insider, vấn đề mất kiểm soát nội dung đã xảy ra với Facebook từ rất lâu. Với ba tỷ người dùng trên nền tảng, công ty không thể kiểm soát được các phát ngôn mang tính thù ghét và tin giả, dù đội ngũ kiểm duyệt hùng hậu cũng như áp dụng các AI và thuật toán hàng đầu.
Trong khi đó, ProPublica nhận xét việc thực thi các quy tắc đối với ngôn từ kích động thù địch của Facebook "không đồng đều". Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New York này cho rằng đội ngũ kiểm duyệt của mạng xã hội lớn nhất thế giới "thường có các cách đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề", cũng như không tuân thủ nguyên tắc phức tạp của Facebook.
Bản thân CEO Mark Zuckerberg cũng là vấn đề lớn của Facebook. Trong nhiều năm làm lãnh đạo, dù các sự cố về tin giả, sai lệch trên nền tảng xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, ông chưa đưa ra được chính sách hiệu quả để cải thiện hoặc khắc phục, thậm chí để sự cố lặp lại hết lần này tới lần khác. Với những hành vi độc đoán, không ít lần các nhà đầu tư kêu gọi Zuckerberg rời vị trí điều hành.
Người đứng đầu Facebook đang chuyển hướng tập trung vào vũ trụ ảo metaverse dù thế giới thực của ông đang xảy ra hàng loạt vấn đề. "Hướng đi đã rõ ràng, nhưng con đường phía trước của chúng tôi chưa hoàn toàn được định hình", Zuckerberg viết trên Facebook cuối năm ngoái.
Theo Guardian, vấn đề tin giả, tin sai lệch trên Facebook sẽ ngày càng trở nên mất kiểm soát nếu Meta vẫn tiếp tục áp dụng các chính sách và cách điều hành như hiện tại cho mạng xã hội của mình. Một số chuyên gia khác nhận định, các nhà lập pháp cần yêu cầu những công ty công nghệ như Facebook phải cung cấp nhiều tài liệu hơn, nhất là các hoạt động kiểm duyệt nội dung hoặc nghiên cứu nội bộ, nhằm đưa ra giải pháp tổng thể để kiểm soát các mạng xã hội. Một giải pháp thiết thực hơn là hạn chế sức mạnh của những nền tảng quy mô lớn bằng các hình phạt chống độc quyền.
Bảo Lâm