Facebook và Messenger luôn là những ứng dụng ngốn pin trên điện thoại. Tuy nhiên, George Hayward, 33 tuổi và từng làm tại bộ phận ứng dụng Messenger, khẳng định với với New York Post rằng Facebook có thể bí mật tác động để làm smartphone của người dùng hết pin. Công ty gọi hành động này là "thử nghiệm tiêu cực" (negative test), trong đó Facebook gây hết pin smartphone của bất kỳ điện thoại nào nhằm kiểm tra các tính năng, đo tốc độ ứng dụng hay xem hình ảnh được truyền tải ra sao.
George Hayward bị Meta, công ty mẹ của Facebook, sa thải tháng 11 năm ngoái vì từ chối thực hiện thử nghiệm. Ông nói với người quản lý của mình rằng việc này có thể gây hại cho người dùng.
Sau khi bị cho nghỉ việc, Hayward kiện Meta lên tòa án liên bang Manhattan. Dan Kaiser, luật sư của ông, chỉ ra rằng hành động làm cạn pin trên smartphone có thể khiến người dùng gặp nguy hiểm, nhất là trong trường hợp khẩn cấp, cần liên lạc với cảnh sát hay nhân viên cứu hộ. Tuy nhiên, đơn kiện bị rút lại do các ràng buộc về điều khoản trong hợp đồng lao động giữa Hayward với Meta. Dù vậy, Kaiser cho rằng hầu hết người dùng không biết Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác đều có thể làm cạn pin smartphone, tức thiết bị của họ có thể bị thao túng bởi bất kỳ ai.
Hayward gia nhập Meta từ năm 2019 và có mức lương hàng năm sáu con số. Trong thời gian làm việc, Meta giao cho Hayward một tài liệu đào tạo nội bộ về cách thực hiện bài kiểm tra tiêu cực một cách thận trọng. Ông nói mình chưa từng thấy một tài liệu nào kinh khủng hơn trong sự nghiệp của mình.
Meta chưa bình luận về cáo buộc của George Hayward.