Đơn kiện được đệ trình lên các công tố viên ở Paris hôm 22/3, lập luận rằng Facebook có liên quan tới "các hành vi thương mại gian dối". Cụ thể, Facebook cho phép thông tin sai lệch cũng như các mối đe dọa phát triển mạnh mẽ dù trước đó đã cam kết với người dùng sẽ "thực hiện thẩm tra kỹ lưỡng" nhằm tạo ra "một môi trường an toàn, bảo mật và không sai sót".
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cho biết luật tiêu dùng của Pháp đặc biệt phù hợp với vấn đề này và cũng đang xem xét nộp đơn kiện tương tự ở các nước khác. Hành vi đánh lừa người tiêu dùng là bất hợp pháp theo luật của Pháp và các công ty phải đối mặt với khoản phạt lên đến 10% doanh thu hàng năm nếu bị phát hiện vi phạm.
Trong một tuyên bố gần đây, tổ chức có trụ sở tại Paris này cũng cho rằng những lời hứa được đưa ra trong phần điều khoản và điều kiện của Facebook "phần lớn là giả dối" và mâu thuẫn với tình trạng thông tin sai lệch và bài đăng có nội dung kích động thù địch đang lan tràn trên mạng xã hội này.
Để chứng minh cho tuyên bố của mình, RSF đã trích dẫn nhiều bằng chứng từ các cựu nhân viên Facebook, hai báo cáo dài nêu chi tiết những đe dọa và phát ngôn kích động thù địch nhắm vào các nhà báo Pháp và cuối cùng là tập hợp những tình huống thực tế và các ví dụ về thông tin sai lệch được lan truyền trên nền tảng này.
RSF bày tỏ hy vọng các công tố viên sẽ mở một cuộc điều tra về Facebook, tuy nhiên cũng muốn nền tảng này thực hiện đúng cam kết của mình. Đại diện của RSF cho biết: "Chúng tôi hy vọng Facebook sẽ tôn trọng một cách hiệu quả các cam kết mà họ đã đưa ra với người tiêu dùng, thay vì giả vờ thực hiện chúng".
Facebook cho biết "không khoan nhượng với bất kỳ nội dung có hại nào trên nền tảng và đang đầu tư rất nhiều để giải quyết các phát ngôn thù địch và thông tin sai lệch. Quá trình này của chúng tôi sẽ không hoàn hảo, nhưng trong khi không ai có thể loại bỏ hoàn toàn thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch khỏi Internet, chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng các nghiên cứu, chuyên gia và công nghệ để giải quyết chúng theo cách toàn diện và hiệu quả nhất có thể".
Mặc dù vụ kiện không đề cập đến những tiết lộ quan trọng về Facebook, nó vẫn có khả năng tạo áp lực lớn lên công ty từ các cơ quan quản lý và các nhóm vận động trên toàn thế giới trong việc giải quyết các vấn đề bao gồm ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch.
Facebook đã cố gắng giải quyết vấn nạn tin giả theo nhiều cách khác nhau, từ việc dán nhãn bài đăng đến giảm khả năng hiển thị của nó trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng. Nhưng vấn đề vẫn tồn tại. CEO Mark Zuckerberg sắp tới sẽ phải đối mặt với các câu hỏi từ các nhà lập pháp về ảnh hưởng của thông tin sai lệch trên mạng xã hội trong cuộc tấn công vào Điện Capitol hồi đầu năm nay.
Facebook cũng đang vướng vào cuộc đối đầu với ngành truyền thông ở một số nền kinh tế lớn liên quan tới vấn đề bản quyền tin tức. Giữa tháng 2, công ty này đã cấm nội dung tin tức ở Australia một thời gian ngắn nhằm đáp trả dự luật buộc Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí nước này.
Đăng Thiên (theo CNN)