"Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đang xem xét rất nghiêm ngặt các báo cáo liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền riêng tư người dùng của Facebook. FTC khẳng định đang mở một cuộc điều tra không công khai về những hoạt động này", đại diện Ủy ban thông báo, dù tuần trước đó đã từ chối bình luận về scandal của Facebook.
Cụ thể, cuộc điều tra sẽ tìm hiểu liệu Facebook có vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký kết từ năm 2011, trong đó yêu cầu mạng xã hội phải nhận được sự đồng ý rõ ràng từ phía người dùng trước khi chia sẻ dữ liệu của họ cho bên thứ ba.
Nếu vi phạm, theo Washington Post, về lý thuyết Facebook có thể bị phạt lên tới 40.000 USD/người dùng bị lộ thông tin, tức nếu nhân lên với 50 triệu người thì sẽ là số tiền khổng lồ - 2.000 tỷ USD. Điều này thực tế sẽ không xảy ra, nhưng nếu bị phạt thì con số cũng sẽ rất nặng nề với Facebook.
Facebook cho hay, họ tuân thủ những cam kết với FTC và "đánh giá cao việc có cơ hội trả lời những câu hỏi mà FTC đưa ra".
Trong scandal mới nhất của Facebook, khởi phát từ năm 2013, một giảng viên Đại học đã trả tiền cho những người trả lời ứng dụng khảo sát tâm lý. Ứng dụng này yêu cầu tiếp cận các thông tin như vị trí và danh sách bạn bè của họ. Có 27.000 người đồng ý tham gia. Với mạng lưới kết nối bạn bè, kết quả là tổng cộng 50 triệu người bị thu thập thông tin. Dữ liệu này cuối cùng rơi vào tay Cambridge Analytica. Đáng chú ý, dữ liệu này được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử.