Quy định chặt chẽ của FIA khiến các đội đau đầu trong việc bố trí ống xả. |
Cấm dùng hệ thống khuếch tán khí thải
Sau hàng loạt tranh cãi trong mùa giải trước về việc một số đội ứng dụng hệ thống khuếch tán khí thải được đặt sau ống xả nhằm tăng lực nén (Downforce), từ mùa giải năm nay Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) đã quyết định xiết chặt các quy định về hệ thống ống xả. Quy định mới sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của luồng khí thải tới hiệu ứng khí động học, và được đánh giá là một bước đi nhằm hạn chế sức mạnh của các đội đua sử dụng động cơ Renault và Mercedes, đặc biệt là đội đua Red Bull.
Điều luật của FIA thực sự vẫn chưa thể hoàn thiện và hạn chế hoàn toàn việc sử dụng luồng khí thải để tăng lực nén. Tuy nhiên trước mắt, FIA đưa ra giải pháp kiểm tra bằng việc quy định rõ ràng vị trí và cấu tạo ống xả cũng như kiểm soát chặt sơ đồ hoạt động của động cơ (engine-mapping) cùng phần mềm quản lý các thiết bị điện tử trong động cơ. Nhằm đối phó với những quy định của FIA, các nhà thiết kế đang cố gắng tìm kiếm và tận dụng các kẽ hở trong điều luật này với hy vọng tạo được sự cân bằng tối đa cho chiếc xe F1. Cuộc chiến khí động học ngoài đường đua giữa các đội cũng như việc đối phó với FIA hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và mang tính quyết định tới cục diện mùa giải.
Hạ thấp mũi xe
Force India (trên) và McLaren (dưới) lựa chọn 2 phương án thiết kế khác biệt để phù hợp với quy định về mũi xe của FIA. |
Kể từ mùa giải 2009 khi FIA yêu cầu các đội đua cắt bớt các bộ phận khí động phụ, mũi xe F1 được thiết kế lại với xu hướng cao hơn. Thiết kế này nhằm tận dụng tối đa luồng khí đi qua phía trước xe để tăng hiệu suất khí động và bù lại mất mát do cắt giảm các bộ phận khí động. Năm nay, FIA đã quyết định hạ thấp thông số chiều cao của phần phía trước của xe F1 với mục đích giảm khả năng mũi xe gây nguy hiểm khi có va chạm trên đường đua.
Theo đó, chiều cao tối đa của khung xe ngay trước khoang lái vẫn ở mức 625mm như năm ngoái, nhưng sau đó trong khoảng chiều dài 150mm, chiều cao mũi xe phải giảm xuống mức 550mm. Thông số bắt buộc này khiến các đội lúng túng trong quá trình chế tạo xe. Điều này dẫn tới hệ quả là ngoài chiếc MP4-27 của McLaren, xe F1 của các đội còn lại đều có hình dáng khá kỳ cục với chiếc mũi gãy khúc nhằm đáp ứng yêu cầu của FIA.
Cấm sử dụng hệ thống kiểm soát độ cao gầm xe (Reactive ride-height)
Hệ thống kiểm soát độ cao gầm xe vốn được đội Lotus (Renault trước kia) tiên phong nghiên cứu bắt đầu từ mùa giải 2010. Nguyên lý cơ bản của hệ thống này là thay đổi các thông số cơ bản của các thiết bị treo để giữ ổn định độ cao gầm xe ở mức tối ưu khi phanh hoặc khi tăng tốc, qua đó tăng hiệu suất khí động học. Hệ thống kiểm soát độ cao gầm xe được coi là con át chủ bài của Lotus trong chiến dịch tái chinh phục vinh quang. Tuy nhiên dưới sức ép của Ferrari và Williams, vào tháng 1 năm nay FIA đã cấm các đội sử dụng hệ thống này. Theo giải thích của FIA, thiết kế đó đã vi phạm điều 3.15: Ngoài chức năng chính, thiết kế hệ thống treo không được phép làm thay đổi các hiệu ứng khí động một cách có chủ đích... Những thiết bị làm thay đổi các hiệu ứng khí động phải cố định trong liên kết với hệ thống giảm xóc của xe.
Kỳ thử nghiệm giữa mùa giải được tổ chức trở lại
Kỳ thử nghiệm giữa mùa giải bị hủy bỏ từ năm 2009 do hệ quả của việc các đội đua cắt giảm kinh phí. Năm nay FIA tuyên bố sẽ tổ chức một kỳ thử nghiệm giữa mùa giải tại đường đua Mugello vào ngày 1/5. Do mỗi đội chỉ được phép có tối đa 15 ngày chạy thử trong một mùa giải, nên số lượng buổi thử nghiệm trước mùa giải đã bị cắt giảm. Bên cạnh đó, để tăng sự an toàn, trước khi tham dự kỳ chạy thử trước mùa giải, khung xe của các đội phải vượt qua bài kiểm tra va chạm của FIA. Chiếc F2012 của Ferrari và MVR02 của Marussi từng phải thiết kế lại do không vượt qua bài kiểm tra va chạm này.
Điều chỉnh một số luật thi đấu
Thời lượng Grand Prix Canada năm ngoái bị kéo quá dài do thời tiết đã khiến FIA thay đổi quy định. |
Bắt đầu từ mùa giải năm nay, trước thời điểm xe an toàn rời đường đua, các xe bị bắt vòng được phép vượt xe an toàn nhằm tránh việc xe dẫn đầu bị cản trở khi cuộc đua khởi động trở lại. Khi cuộc đua bị tạm dừng do sự cố, các xe đang trong pit-lane sẽ được phép trở lại đoàn đua với thứ tự đúng như thời điểm ngay trước khi sự cố xảy ra.
Ngoài ra, các xe không được chạy tắt trên đường đua nếu không có lý do thích đáng nhằm tránh việc các tay đua cố tình rút ngắn vòng in-lap và out-lap để tiết kiệm nhiên liệu và kịp thời gian phân hạng, dễ gây ra tai nạn. Khi bảo vệ vị trí trên đường đua, các xe đã rời racing-line thì không được phép quay trở lại ngay sau đó.
Bên cạnh đó, để thuận lợi cho khán giả, FIA cũng giảm thời gian tối đa của một chặng đua trong trường hợp bị tạm ngừng từ 8 giờ xuống còn 4 giờ. Thời gian đua tối đa vẫn là 2 giờ. Đây là hệ quả sau Grand Prix Canada năm ngoái, khi cuộc đua kéo dài kỷ lục tới 4 giờ 4 phút 39 giây.
Trong các buổi đua tập, tay đua được phép sử dụng tất cả các bộ lốp được cung cấp. Trước đây, mức giới hạn là 3 bộ.
Minh Phương