Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ ngày 14/2 đến nay, tức khi học sinh đi học trở lại, số trẻ em mắc Covid-19 tăng cao rõ rệt. Tuần qua, thành phố ghi nhận hơn 7.500 ca trong trường học, gồm hơn 700 giáo viên và gần 6.800 học sinh. Tuần trước đó, 600 F0 được phát hiện.
Hầu hết trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, số trẻ cần điều trị nội trú tại ba bệnh viện nhi của thành phố vẫn ở mức ổn định. Trong số 100 trẻ đang điều trị tại các bệnh viện (gồm 15 ca chuyển từ các tỉnh), 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. 93% ca là trẻ em dưới 12 tuổi - nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine; trong đó 65% dưới 5 tuổi, 11% dưới 5 tuổi. "Như vậy tỷ lệ trẻ em phải nhập viện do Covid là cao so với những nhóm khác", ông Thượng nói.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Covid-19, cho biết trong số 52 trẻ đang điều trị, chỉ ba trường hợp hỗ trợ hô hấp, còn lại theo dõi, dùng thuốc điều trị triệu chứng, thuốc chữa bệnh nền. Khoảng 40% bệnh nhi tại đây là từ các tỉnh chuyển đến. Một số bé có các bệnh lý nền như thần kinh cơ, động kinh, suy thận mạn, ung thư, thoát vị hoành... "Bệnh nhi tăng nhẹ từ sau Tết nhưng vẫn ở mức thấp, chiếm 1/4 số giường điều trị tại khoa", bác sĩ Việt nói.
Số trẻ F0 điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ít hơn, với 12 trường hợp, không có bệnh nhi nào cần hỗ trợ hô hấp, theo bác sĩ Phó giám đốc Nguyễn Minh Tiến. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong số hơn 30 trẻ đang điều trị, chỉ 5 ca cần hỗ trợ hô hấp để điều trị bệnh lý nền từ trước.
Để ứng phó với số ca nhiễm xu hướng tăng cao, Sở Y tế TP HCM đã gặp gỡ chuyên gia đầu ngành về nhi khoa để bàn sâu về cách chăm sóc trẻ mắc Covid-19. Tổ chuyên gia nhi khoa đã xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung điều trị theo từng kịch bản có thể xảy ra. Sở cũng theo dõi diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu UBND TPHCM xem xét tạm ngưng việc học trực tiếp nếu số ca trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp ở mức trên 100 ca một ngày.
Sở Y tế cùng nhóm chuyên gia cũng cung cấp số điện thoại tư vấn từ xa tại ba bệnh viện nhi nhằm tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời cho giáo viên và phụ huynh. Các trung tâm y tế, trạm y tế được hướng dẫn cách chăm sóc, xử trí khi phát hiện ca mắc Covid-19 là trẻ em.
Hiện, ba bệnh viện nhi của thành phố có sức chứa 450 giường, 150 giường hồi sức hô hấp. Khi số nhiễm tăng cao, các bệnh viện có thể mở rộng công suất, các bệnh viện quận huyện có khoa nhi cũng sẽ chia lửa điều trị. Ngành y tế sẽ thực hiện phân tầng điều trị và hướng dẫn cụ thể các trường hợp cần chăm sóc tại nhà.
Thành phố tổ chức tập huấn cho hệ thống y tế việc thu dung, chăm sóc, điều trị trẻ F0 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng; tập huấn cho giáo viên quy trình xử trí F0, xử trí các dấu hiệu bệnh, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng. Ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, tại cuộc họp chiều 22/2, cho rằng khi lưu lượng học sinh trở lại trường học đông, lại trong điều kiện tiếp xúc gần với nhau, cộng với biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh đang chiếm ưu thế, nên số trường hợp mắc Covid-19 tăng lên là điều không bất ngờ mà nằm trong dự tính. Tuy nhiên, không thể chủ quan, không thể xem thường mà phải tính toán các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Ông Nên yêu cầu ngành y tế phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19, chú trọng mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh và nhà trường với y tế, đề ra tình huống cụ thể để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo. Chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cần bổ sung đối tượng là trẻ em, vì trẻ em vốn chưa tự bảo vệ mình được, chưa tự thực hiện 5K. Cần chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt.
Ngày 22/2, UBND TP HCM ban hành công văn, hướng dẫn kiểm soát dịch trong trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập trực tiếp. Theo đó, nhà trường không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0. Khi phát hiện học sinh có ít nhất hai trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, đau nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp, nhà trường cần yêu cầu học sinh mang ngay khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc người khác, thông báo đến cơ quan chống dịch.
Chuyên gia khuyến cáo phụ huynh bình tĩnh
Theo bác sĩ Việt, dù số ca nhiễm tăng nhưng vẫn kiểm soát được, tỷ lệ số ca nặng, tỷ lệ tử vong vẫn thấp nên phụ huynh cần bình tĩnh. Trải qua trận dịch khốc liệt năm ngoái, các y bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm; việc điều trị cũng đã có những phác đồ rất cụ thể; ngành y tế đủ phương tiện, thuốc men, có chiến thuật chiến lược ứng phó khi số ca tăng.
Bác sĩ Tiến cũng cho rằng dù biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh nhưng không đáng lo ngại vì gây triệu chứng nhẹ hơn. Thực tế tại bệnh viện những ngày qua, tỷ lệ dương tính phát hiện qua sàng lọc ở khu khám bệnh hàng ngày tăng cao (từ 5-7 ca lên khoảng 12 ca) nhưng số trường hợp nhập viện tăng không đáng kể, đa số cho về cách ly điều trị tại nhà. Trẻ em mắc bệnh thường nhanh khỏi hơn người lớn, đa số 3-5 ngày đã âm tính.
Theo bác sĩ Tiến, phụ huynh nên tiếp tục cho trẻ đi học, theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Việc ở nhà, không tiếp xúc xã hội quá lâu có thể gây những ảnh hưởng nhất định với phát triển, khả năng thích nghi về sau của trẻ. Trẻ trong độ tuổi được chích vaccine ngừa Covid-19, gia đình nên cho trẻ tiêm chủng. "Trẻ em 5-11 tuổi ở Mỹ chích ngừa nhiều, hiện đã quay trở lại trường bình thường, việc tiêm vaccine đã được các nước tiên tiến nghiên cứu kỹ, chúng ta có thể yên tâm áp dụng", bác sĩ nói.
Các bác sĩ khuyên phụ huynh không nên chủ quan, cố gắng hạn chế tối đa lây nhiễm. Trẻ mắc bệnh dù nhẹ vẫn có thể lây lan cho những người lớn tuổi, có bệnh nền, khiến họ dễ trở nặng. Ngược lại, khi số ca Omicron tăng nhanh trong cộng đồng, nhóm trẻ nguy cơ cũng sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn, dễ dẫn đến nguy hiểm. Nhóm trẻ có nguy cơ nếu chẳng may mắc bệnh cần được theo dõi sát các dấu hiệu, xử trí kịp thời khi trở nặng.
Phụ huynh cần giúp trẻ hình thành các thói quen trong giai đoạn thích ứng mới, chú trọng nguyên tắc 5K, dạy trẻ đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn, không tập trung đông người, vứt khẩu trang đúng nơi quy định, khai báo y tế rõ ràng, khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh không nên cho đi học, không giấu bệnh. Chuẩn bị khẩu trang dự phòng trong cặp của trẻ, trang bị bình uống nước riêng, khuyên không dùng chung các vật dụng cá nhân. Trẻ mắc bệnh cần cách ly đến khi âm tính để hạn chế lây bệnh cho người khác.
Lê Phương