Thông tin trên được Sở Y tế TP HCM cung cấp, ngày 4/1. Hiện, chưa có số liệu báo cáo trẻ điều trị tại nhà. Khi cao điểm hồi tháng 9, thành phố điều trị hơn 3.000 F0 trẻ em.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt (Trưởng Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết nơi này đang điều trị 37 trẻ em mắc Covid-19, giảm hơn ba lần so với đầu tháng 12. Trong số này, khoảng 50% có bệnh lý nền như hội chứng thận hư, tiểu đường, động kinh, bại não, bệnh lý gan mật... Ngoài ra, ba trẻ F0 phải nhập viện vì thừa cân béo phì, cùng một số trẻ nhỏ dưới hai tuổi hoặc gia đình không đủ điều kiện cách ly tại nhà, trẻ ở các tỉnh xa...
"Số ca nhập viện có chiều hướng giảm dần khoảng ba tuần nay", bác sĩ Việt nói. Khu vực cấp cứu hiện điều trị 7 bé, trong đó 3 bé thở máy, một thở áp lực dương liên tục qua mũi (CPAP), một thở oxy. Cách đây một tháng, số ca trong khu vực cấp cứu thường dao động khoảng 20.
Theo bác sĩ Việt, bệnh nhi nhập viện giảm tương ứng với với số ca mắc, lượng bệnh nhân nặng và tử vong đang giảm dần tại TP HCM, cùng với tỷ lệ bao phủ vaccine ngày càng tăng cao. Sau một thời gian thành phố triển khai tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi, lượng bệnh nhi nhóm này giảm rõ rệt. Chỉ một vài trẻ trên 12 tuổi mắc Covid-19 phải nhập viện sau khi đã tiêm vaccine, đều thuộc nhóm có bệnh lý nền, đã điều trị ổn định và xuất viện, không ghi nhận tử vong. Nơi này đang điều trị một bé 12 tuổi chuyển từ Tây Ninh đến hơn một tháng, chưa tiêm vaccine, bị tiểu đường nặng, tổn thương nhiều cơ quan như tim, gan, thận não, đã hết Covid-19 nhưng phải chữa các vấn đề khác, tiên lượng khá nặng.
"Dù số ca giảm nhưng bệnh viện vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng, trong bối cảnh trẻ bắt đầu đi học nhiều trở lại. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đang cảnh giác, theo dõi liệu biến chủng Omicron có gây tình trạng nặng cho trẻ hay không để có ứng phó kịp thời", bác sĩ Việt nói.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, một cơ sở tuyến cuối khác chịu trách nhiệm chính trong điều trị trẻ mắc Covid-19, F0 nằm viện cũng giảm hơn 50% so với đầu tháng 12, hiện còn chưa tới 50 trẻ điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc bệnh viện), trong số này, khoảng 10% trẻ mắc bệnh nặng, chủ yếu có bệnh nền, béo phì.
Theo bác sĩ Tiến, dù số ca nhập viện nội trú giảm mạnh nhưng tỷ lệ dương tính phát hiện qua sàng lọc ở khu khám bệnh hàng ngày vẫn chưa giảm nhiều, dao động khoảng 20-50%. Đa số trẻ không triệu chứng, nhẹ, sau khi xét nghiệm dương tính được cho về điều trị tại nhà, thông báo với y tế địa phương.
"Từ kinh nghiệm trong đợt cao điểm dịch, có thể thấy trẻ nhẹ điều trị tại nhà được chăm sóc, ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tinh thần, tâm lý thoải mái hơn nên phục hồi nhanh hơn", bác sĩ Tiến nói. Người nhà có thể liên lạc qua đường dây nóng bệnh viện có bác sĩ trực tư vấn để đảm bảo trẻ được chăm sóc thuận lợi, kịp thời nhập viện khi có dấu hiệu nặng.
Tình trạng F0 trẻ em nhập viện giảm mạnh cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với gần 40 trẻ điều trị, chủ yếu là trẻ mắc bệnh nền, ngày 5/1. Hồi đầu tháng 12, lượng F0 nhập viện điều trị tại đây có lúc lên đến 150.
Các bác sĩ dự báo khi trẻ trở lại trường trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể tăng. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng vì trẻ mắc Covid-19 hầu hết không nghiêm trọng như người lớn, chỉ một số trường hợp dư cân, béo phì, bệnh nền sẽ diễn tiến không thuận lợi, dễ trở nặng hơn, ngành y tế đã có đủ phương tiện, thuốc men để điều trị hồi sức bệnh nhi. Việc đi học trực tiếp sẽ giúp giải tỏa vấn đề tâm lý sau thời gian dài cách ly xã hội, trẻ được quay trở lại hoạt động như trước, gặp gỡ bạn bè, thầy cô trong giai đoạn bình thường mới.
Bác sĩ Việt khuyến cáo phụ huynh, nhà trường cần thường xuyên hướng dẫn trẻ thực hiện 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên, không tụ tập, giữ khoảng cách an toàn, khai báo y tế). Bên cạnh đó, nên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ khi đến tuổi (hiện là 12-17 tuổi), đặc biệt là nhóm trẻ thừa cân, béo phì, mắc bệnh nền. Nhóm trẻ này có nguy cơ trở nặng cao dù mắc bất kỳ bệnh lý gì chứ không chỉ Covid-19.
"Chú ý những trường hợp có dấu hiệu bệnh để đi khám, cách ly điều trị kịp thời tránh nguy cơ lây lan", bác sĩ Việt nói. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh nếu chăm sóc tại nhà cần được phát hiện kịp thời thời điểm chuyển biến nặng, chuyển biến bất thường để đưa đi viện.
Theo bác sĩ Tiến, phụ huynh và nhà trường không quá hoang mang nhưng cũng không được lơ là bởi Covid-19 dễ lây lan nếu chủ quan. Cần dạy trẻ hình thành thói quen để tránh nguy cơ nhiễm bệnh trong giai đoạn thích ứng mới, dặn dò trẻ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, vứt khẩu trang đúng nơi quy định, khai báo y tế rõ ràng, khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh không nên cho đi học.
"Để hình thành thói quen tốt cần có thời gian, ngoài ý thức của trẻ thì người lớn phải nhắc nhở, uốn nắn thường xuyên", bác sĩ Tiến chia sẻ. Phụ huynh nên chuẩn bị khẩu trang dự phòng trong cặp của trẻ, trang bị bình uống nước riêng, bình sát khuẩn tay nhỏ, khuyên trẻ không dùng chung các vật dụng cá nhân, không chạy sang lớp khác chơi. Giữ nhà cửa thông thoáng, cho trẻ ăn uống điều độ, vui chơi, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục để tăng đề kháng phòng bệnh.
Bác sĩ Tiến cho rằng nhà trường nên chặt chẽ trong khâu tổ chức lớp học, chẳng hạn học trực tuyến một nửa, học trực tiếp một nửa, sắp xếp lại phòng ốc đảm bảo khoảng cách. Bố trí chỗ rửa tay, thùng rác, nơi ăn nghỉ cho trẻ phù hợp hơn trước, chia khung giờ đưa đón học sinh hợp lý để tránh tụ tập đông giờ tan trường... Sàng lọc, khai báo y tế để phát hiện kịp thời trường hợp sốt, ho cho cả trẻ, thầy cô giáo và các nhân viên khác trong trường như bộ phận căng tin, bảo vệ...
Số ca mắc mới tại TP HCM ngày càng giảm, từ trên dưới 7.000 ca một tuần vào đầu tháng 12/2021, đến cuối tháng giảm còn khoảng 4.000 ca. Số ca nhập viện thời gian qua cũng thấp hơn số xuất viện, ở mức 300-400 mỗi ngày. Số ca tử vong do Covid-19 hôm 3/1 giảm còn 26 ca, thấp nhất trong 47 ngày qua, theo lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố.
Cùng lớp 9 và 12 đến trường trực tiếp từ giữa tháng 12, học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 tại TP HCM cũng học trực tiếp từ ngày 4/1.
Lê Phương