Nội dung này là điểm mới trong Hướng dẫn gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 do Sở Y tế TP HCM cập nhật ngày 23/11, thay thế cho phiên bản trước đó hồi cuối tháng 8.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số F0 tăng cao, kéo theo bệnh nhân nặng tăng; người già có nhiều bệnh nền lại mắc thêm Covid-19 nên nguy cơ tử vong rất cao. Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, trong thời gian qua, dù độ phủ vaccine tốt nhưng khi F0 tăng có khoảng 15-20% diễn tiến nặng, chủ yếu là người cao tuổi, kèm bệnh nền. Trong 15-20% này có 5% chuyển biến thực sự rất nặng.
Trong hướng dẫn mới, tiêu chí cách ly tại nhà khác vẫn được giữ nguyên là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút. Ngoài ra, F0 tuổi từ 1 đến 50, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì. Nếu không thỏa điều kiện này, F0 vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu bệnh nền ổn định, tiêm đủ hai mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên.
F0 cách ly tại nhà phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh; biết cách đo thân nhiệt, sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát khi có tình trạng khẩn cấp. F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân thì phải có người hỗ trợ.
F0 tại nhà được phát tờ rơi hướng dẫn tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc điều trị Covid-19. Cụ thể, F0 không triệu chứng được cấp ngay gói thuốc A (thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng), có triệu chứng nhẹ được cấp gói A và C (thuốc kháng virus molnupiravir theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế).
F0 cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần một phút hoặc đo SpO2 dưới 96%) cần liên hệ ngay nhân viên y tế đang quản lý F0 để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩđánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh dùng một liều duy nhất thuốc B (thuốc kháng viêm và chống đông) trước khi chuyển viện.
Trong hướng dẫn mới lần này, gói thuốc B không được cấp phát đại trà. Họp báo chiều qua, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện thuốc B do trạm y tế quản lý và chỉ phát sau khi bác sĩ khám, chỉ định dùng, tùy mức độ bệnh. Bệnh nhân sẽ được cho sử dụng một liều sau đó đưa vào bệnh viện để điều trị tiếp. Sở Y tế thành phố rút bớt số lượng túi B và cho sử dụng khi người bệnh vào các cơ sở điều trị, theo phác đồ của Bộ Y tế.
Người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn, xử trí cấp cứu, tổ phản ứng nhanh vận chuyển đến bệnh viện. Dấu hiệu chuyển nặng của người lớn là khó thở (biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần một phút), li bì, lừ đừ, tím tái môi, đau chi, SpO2 < 94%. Ở trẻ em, dấu hiệu này bao gồm thở nhanh theo tuổi (1-5 tuổi: trên 40 lần/phút, 5-12 tuổi: trên 30 lần/phút, từ 12 tuổi: trên 20 lần một phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, ăn uống, tím tái môi, đầu chi, SpO2 dưới 95%.
F0 được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) vào ngày thứ 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Người cùng nhà hoặc chăm sóc F0 khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19 cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
TP HCM hiện ghi nhận gần 457.000 ca Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, khoảng 52.000 F0 đang điều trị tại nhà, hơn 5.300 người ở các cơ sở cách ly tập trung. Hơn 13.700 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 327 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Trong ngày 21/11, thành phố ghi nhận 59 trường hợp tử vong.
Đến nay, TP HCM đã tiêm hơn 7,8 triệu mũi một và hơn 6 triệu mũi hai các loại vaccine phòng Covid-19.