Sở Y tế ngày 31/3 cho hay rút ngắn thời gian khai báo nhằm giúp người thuộc nhóm nguy cơ được tiếp cận y tế kịp thời, trạm y tế cũng thuận lợi hơn khi giải quyết hồ sơ trực tuyến.
TP HCM triển khai ứng dụng khai báo trực tuyến từ ngày 11/3. Khi ấy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng chưa có thói quen khai báo trực tuyến, thành phố cho phép họ khai báo trong vòng 5 ngày (kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính). Tuy nhiên thống kê cho thấy 75% khai báo trong 48 giờ đầu, còn lại khai báo vào ngày thứ 3, 4, 5. Như vậy, nhóm nguy cơ cao không được y tế địa phương phát hiện và tiếp cận chăm sóc kịp thời, có thể trở nặng. Đây là lý do Sở Y tế rút ngắn thời gian khai báo xuống 48 giờ.
Tỷ lệ khai báo F0 trực tuyến thành công tại TP HCM tính đến ngày 31/3 đạt 72%, cao gấp 3,5 đến 7 lần so với lúc mới triển khai, theo Sở Y tế. Cụ thể, sau 20 ngày triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn, đã có 84.799 lượt F0 khai báo trực tuyến. Qua sàng lọc, các trạm y tế xác nhận 61.406 F0 khi họ khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu, tỷ lệ 72%. Trong đó, hơn 1.200 người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền), hơn 12.700 người có triệu chứng nghi nặng (cảm giác mệt, khó thở, đau tức ngực) đã được trạm y tế tiếp cận, điều trị kịp thời sau khi được hệ thống cảnh báo nhắc qua tin nhắn.
Bên cạnh đó, trạm y tế và UBND phường xã gặp khó khăn khi chưa có chữ ký số để cấp chứng nhận trực tuyến cho F0 đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Để gỡ khó, Sở Y tế yêu cầu Ban giám đốc các trung tâm y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn đẩy nhanh đăng ký chữ ký số cho các đơn vị này.
Với hệ thống chuyển đổi số công tác quản lý F0 tại nhà, người tự test nhanh có kết quả dương tính chỉ cần đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn để khai báo trực tuyến và nhận giấy xác nhận là F0. Trước đó, F0 phải trực tiếp đến trạm y tế phường, xã để làm các thủ tục khai báo và mất nhiều thời gian chờ đợi do trạm quá tải.
Những ngày đầu triển khai, phần mềm chưa hoàn chỉnh, tồn tại một số bất cập như phần mềm chạy chậm nghẽn mạng, một số F0 không truy cập được hệ thống hoặc hệ thống lỗi, phải khai nhiều lần; F0 là trẻ em chưa có căn cước công dân nên không thể khai báo; người lớn tuổi, không rành về công nghệ khó thực hiện; khai báo xong nhưng không nhận được tin nhắn phản hồi... Trạm y tế cũng gặp khó khi phải gọi điện lại để hướng dẫn người dân bổ sung thông tin khi khai báo thiếu; nhiều trạm thiếu máy tính, hoặc máy đời cũ, mạng yếu nên nhân viên y tế chưa thực sự được giảm tải. Các bất cập này đã được ghi nhận và khắc phục dần.
Theo Sở Y tế, việc chuyển đổi quy trình thủ tục hành chính thông thường sang trực tuyến không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Sở Y tế là đơn vị cung cấp dịch vụ khai báo F0 trực tuyến sẽ bám sát thực tế, rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung, điều chỉnh để ứng dụng giảm thấp nhất những rủi ro về kỹ thuật và tạo sự tiện lợi nhất cho người sử dụng.
Thư Anh