Đồng thời, F-Safe còn tự động chặn các đường dẫn (link), website được đánh giá không an toàn, đại diện FPT Telecom khẳng định.
Theo thống kê của We Are Social công bố tháng một, số người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 68,72 triệu, chiếm trên 70% dân số. Trung bình, người Việt lên mạng khoảng 6 giờ 47 phút mỗi ngày, trong đó hơn một phần ba thời gian cho mạng xã hội.
Song song với sự phát triển này, các hình thức tấn công mạng cũng ngày càng đa dạng, gây ra nhiều hậu quả cho xã hội. Báo cáo của một công ty bảo mật cho biết, trong năm 2020, virus máy tính cũng như các hình thức lừa đảo mạng khiến người Việt thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, cuộc sống của nhiều người gắn liền với Internet, rủi ro bị đánh cắp thông tin và tấn công mạng cũng là mối lo của nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dùng.
Rủi ro lớn với thông tin cá nhân
Dữ liệu được coi là mỏ dầu của nền kinh tế số. Đây cũng là mục tiêu nhắm đến của tội phạm mạng. Thời gian qua, nhiều chiến dịch, thủ đoạn nhằm chiếm đoạt dữ liệu của người dùng đã được phát hiện trên không gian mạng tại Việt Nam, điển hình là chiêu lừa dụ người dùng nhập thông tin vào các website mạo danh, từ đó chiếm tài khoản hoặc dữ liệu cá nhân.
Theo báo cáo từ Appota, 76% người dùng tại Việt Nam được khảo sát coi việc bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cũng có đến 82% số người được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà tặng khuyến mãi. Điều này chỉ ra thực tế về một bộ phận không nhỏ người dùng hiện nay chưa có ý thức hoặc kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các hành vi như chụp ảnh check in các nơi chốn, địa điểm, thông tin vé máy bay, visa, hộ chiếu... được các chuyên gia bảo mật cảnh báo từ lâu nhưng nhiều người vẫn làm. Để sử dụng các ứng dụng miễn phí, người dùng cũng sẵn sàng cấp quyền truy cập vào danh sách bạn bè, danh bạ cá nhân trong smartphone của mình. Các dữ liệu, theo nhiều chuyên gia, hoàn toàn có thể bị sử dụng để xây dựng chân dung người dùng, từ đó thực hiện hành vi xấu.
Chỉ với một đường link gây sốc, tin nhắn Messenger nhờ bình chọn... kẻ xấu đã có thể dụ một lượng không nhỏ người dùng tin tưởng làm theo để rồi chiếm tài khoản. Chiêu lừa đảo bằng website giả mạo này dù đã có từ lâu, nhưng chỉ cần thay đổi hình thức, nội dung là đã có thể biến nhiều người trở thành nạn nhân. Không chỉ mạo danh mạng xã hội, kẻ xấu còn tạo các website mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính, rồi dụ người dùng đăng nhập.
Trong thời gian từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, nhiều người dùng cho biết đã bị mất hàng tỷ đồng vì tin lời kẻ gian, điền thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập tài khoản lên các ứng dụng mạo danh, ứng dụng gián điệp.
Giải pháp công nghệ bảo vệ người dùng
Mới đây, FPT Telecom đã ra mắt F-Safe, tính năng bảo mật được tích hợp từ modem Wifi giúp bảo vệ không giới hạn các thiết bị truy cập chung đường truyền Internet mà không cần cài đặt. Trong khi kỹ năng và ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng Internet còn nhiều lỗ hổng, F-Safe là một trong những giải pháp hiệu quả và tiện lợi.
Tính năng bảo mật F-Safe sử dụng công nghệ AI có thể đánh giá và phát hiện những website nguy hiểm, các website theo dõi, thu thập dữ liệu hành vi lướt web của người dùng để ngăn chặn người dùng truy cập. Những trang web lừa đảo, mạo danh cũng sẽ liên tục được cập nhật để ngăn chặn việc người dùng có thể vô tình truy cập vào. Nhờ đó, những người dùng dù không có nhiều kỹ năng về an toàn thông tin cũng có thể được bảo vệ trước các mối đe dọa trên môi trường mạng.
F-Safe được tích hợp trực tiếp vào modem Wi-Fi Internet FPT và không yêu cầu cài đặt nên có thể bảo vệ các thiết bị đang sử dụng chung đường truyền mạng như Smart TV, Camera, khoá cửa,.... "Chức năng này mang lại sự tiện lợi, tối ưu chi phí và giúp bạn đảm bảo an toàn cho cả gia đình, khu trọ, toà nhà... chỉ với một thao tác duy nhất: lắp đặt Internet FPT có tính năng F-Safe", đại diện FPT Telecom cho biết.
Thế Đan