Không nằm ngoài dòng chảy chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng từ Covid-19 từ đầu năm đến nay, bên cạnh đó là những thách thức tồn đọng trên thị trường từ nhiều năm qua. Tuy nhiên nhờ kiểm soát tốt Covid-19 và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là điểm sáng đầu tư bất động sản trong khu vực.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế nhờ các tiềm lực nội tại. Có thể kể đến chính sách thúc đẩy đô thị hóa, giãn dân khu vực trung tâm, dân số trẻ, nền chính trị - kinh tế - xã hội ổn định, vị trí địa lý thuận lợi... Những yếu tố này khiến Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Đồng thời, những hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng mở ra nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư hấp dẫn. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút 21,2 tỷ USD vốn FDI.
Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam là "ngôi sao đang lên" trong khu vực và sẽ còn bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới. Điều này kéo theo sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu trẻ, hiện chiếm 13% tổng dân số và được kỳ vọng sẽ đạt 26% trước năm 2026. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" với 70% dân số trong độ tuổi 15-24, theo kết quả điều tra dân số năm 2019.
Quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhất là ở phía Đông TP HCM với chủ trương thành lập khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Trong vòng 20 năm tới, hơn 50% dân số sẽ sinh sống trong các khu vực thành thị, so với tỷ lệ 36% ở hiện tại. Tỷ lệ tăng dân số bình quân tại TP HCM là 2,64% một năm, cao nhất tại khu vực Đông Nam Bộ. Kinh tế phát triển ổn định dẫn đến sự cải thiện đời sống người dân Việt Nam về mọi mặt, trong đó có nhu cầu an cư lập nghiệp, xây dựng tổ ấm vững chắc để tạo tiền đề phát triển sự nghiệp.
Bên cạnh đó, thế hệ millennials (thế hệ Y - những người từ 24 đến 39 tuổi) ngày càng quan tâm đến môi trường sống với các xu hướng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, theo đuổi lối sống phát triển bền vững.
Nắm bắt được điều này, trong lĩnh vực bất động sản, tư duy phát triển bền vững đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng, dung hòa giữa mục tiêu kinh doanh và phát triển xã hội. Trong đó nhà phát triển EZLand là đơn vị đáng chú ý với những nỗ lực kiến tạo công trình không chỉ đáp ứng về thiết kế và công năng, mà còn đảm bảo hạn chế tác động đến môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sử dụng.
Được xây dựng trên chiến lược "công dân doanh nghiệp" với hệ thống đánh giá tác động đến môi trường - xã hội - quản trị, các giải pháp thân thiện môi trường của EZLand được thể hiện từ khâu thiết kế đến xây dựng. Có thể kể đến các giải pháp vật liệu tiêu tốn ít năng lượng, thiết bị nước áp lực thấp, tối ưu hóa nguồn năng lượng tự nhiên trong căn hộ... Với quyết tâm phủ "xanh" toàn bộ danh mục đầu tư, EZLand là một trong số rất ít nhà phát triển tại Việt Nam đạt chứng nhận EDGE Champion (Thiết kế xuất sắc để đạt hiệu quả cao hơn) của IFC - thành viên của Tổ chức Ngân hàng Thế Giới. Theo đó, công trình được đảm bảo tiết kiệm điện, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu tối thiểu 20% để tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên cho dự án.
Những giải pháp này mang lại lợi ích trực tiếp cũng như lâu dài đến cộng đồng dân cư và môi trường. Trong bối cảnh Covid-19, việc phát triển dự án căn hộ "xanh" được xem là chiến lược đúng đắn khi vừa đáp ứng nhu cầu an cư chất lượng cao của thế hệ trẻ, vừa đảm bảo giá trị lâu dài cho khách hàng có ngân sách tầm trung vốn ít bị tác động do dịch. Qua đó, mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp là đóng góp chung vào sự đổi mới kinh tế - giáo dục - xã hội, thông qua việc tạo điều kiện cho khách hàng trẻ an cư lập nghiệp và khuyến khích lối sống xanh.
Thông qua các dự án mang tính bền vững, EZLand đang nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp trong việc vận hành cũng như phát triển sản phẩm nhằm hướng đến cộng đồng. Đây cũng là cách mà doanh nghiệp này thể hiện trách nhiệm với xã hội theo mô hình "công dân doanh nghiệp", góp phần mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho người Việt.
Vũ Khánh