Lúc 9h sáng nay, chỉ có 90 cổ đông của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) tham dự phiên họp thường niên năm 2022 với tổng hơn 688 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 56%. Với tỷ lệ cổ đông tham dự thấp hơn mức tối thiểu 65% đủ điều kiện tổ chức họp, đại hội thường niên của Eximbank lại bất thành.
Nguyên nhân các bên không thể đạt được tiếng nói chung theo một nguồn tin là do sự lệch pha giữa bên sở hữu cổ phần chi phối và bên nắm quyền trong Hội đồng quản trị.
Từ năm 2019 đến nay, đây là lần thứ 5 nhà băng này không tổ chức được đại hội cổ đông. Khi thì nguyên nhân không thoả mãn yêu cầu tỷ lệ cổ đông (do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn), khi phải tạm hoãn do dịch bệnh.
Lần gần nhất Eximbank tổ chức thành công phiên họp cổ đông là 15/2 năm nay, qua đó bầu được thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Hai trên bảy thành viên Hội đồng quản trị gồm bà Lương Thị Cẩm Tú được ủng hộ bởi nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Hoàn Cầu; hai thành viên được ủng hộ bởi Tập đoàn Thành Công; một thành viên của BamBoo Capital; một người đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt và một đại diện của Sumitomo Mitsui Banking.
Chia sẻ bên lề cuộc họp bất thành sáng nay, Chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú cho biết không bất ngờ với diễn biến này. Tuy nhiên bà nói rằng, ngân hàng đã thành lập ban quan hệ cổ đông nhà đầu tư và tất cả thông tin đều rất minh bạch, cũng không thấy ai ý kiến gì. Hội đồng quản trị ngân hàng sẽ có cuộc họp để sớm tổ chức phiên đại hội trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú nói chuyện với một cổ đông lớn tuổi bên lề phiên họp cổ đông bất thành sáng 28/4. Ảnh: Quỳnh Trang
Một vài cổ đông lớn tuổi tỏ ra hụt hẫng khi cuộc họp bất thành nên nán lại trao đổi thêm với lãnh đạo ngân hàng. Vấn đề được cổ đông quan tâm là "khi nào nhà băng mới chia cổ tức" và "tình hình làm ăn ra sao" để cân nhắc chốt lời cổ phiếu khi đã nắm giữ quá lâu trong nhiều năm liền.
Từ năm 2016 tới nay, cổ đông ngân hàng 7 năm liền không nhận được cổ tức. SMBC đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi nắm giữ hơn 15% vốn điều lệ nhưng cũng đã chấm dứt thoả thuận liên minh với nhà băng từ đầu năm nay.
Tại đại hội thường niên 2022, ngân hàng dự kiến trình cổ đông về chủ trương xây dựng trụ sở chính và giải trình việc bán cổ phiếu Sacombank dưới giá tối thiểu. Ngân hàng dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi năm ngoái lên 2.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng không quá 1,7%.
Quỳnh Trang