Chiều 3/3, Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank cho biết hội đồng quản trị thông qua nghị quyết số 133 về việc chấp hành chỉ đạo của UBND TP HCM đề nghị ngân hàng không tổ chức đại hội cổ đông bất thường lúc này.
Trong các văn bản trước đó của UBND TP HCM về tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19 cũng nêu rõ "hạn chế tụ tập đông người". Đồng thời, xét đề nghị của Eximbank và ý kiến của Sở Y tế cũng như căn cứ chỉ thị số 06 của Thủ tướng, UBND TP HCM cho rằng, Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đề nghị Eximbank không tổ chức đại hội cổ đông bất thường.
Eximbank hiện vẫn chưa tổ chức thành công đại hội cổ đông năm 2019. Theo kế hoạch, Eximbank dự kiến họp vào tháng 3 và đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4.
Hai lần tổ chức đại hội đồng cổ đông vào tháng 4/2019 và tháng 6/2019 đều bất thành. Trong lần một, do số cổ đông tham dự chỉ đạt 57,62% số cổ phần có quyền biểu quyết nên không thể tiến hành đại hội. Còn lần thứ hai cũng thất bại bởi tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông xoay quanh tính hợp pháp của nghị quyết bầu chủ tịch HĐQT và quyền tổng giám đốc mới.
Khủng hoảng của Eximbank khởi nguồn từ biến động nhân sự cấp cao vào cuối tháng 3 năm nay. Khi đó, bà Lương Thị Cẩm Tú (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á) được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc cho rằng cuộc họp này trái quy định do trước đó Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ban lãnh đạo Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến bất ổn trong HĐQT để xem xét và giải quyết.
Ngày 14/5, ông Lê Minh Quốc bất ngờ gửi đơn từ nhiệm và sau đó một ngày, Eximbank thông báo chấm dứt hiệu lực nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú.
Nhưng sau đó, Eximbank lại ra quyết nghị bầu ông Cao Xuân Ninh làm chủ tịch hội đồng quản trị. Quyết định này có hiệu lực từ 22/5, tức sau hơn một tuần ông Quốc gửi đơn từ nhiệm.
Lệ Chi