Như vậy, vốn điều lệ của Eximbank tăng thêm 1.219 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của ngân hàng thông qua.
Theo đơn vị, vốn điều lệ tăng thêm được dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Việc tăng vốn còn giúp mở rộng khả năng cung ứng tín dụng, đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo. Qua đó nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Đại diện ngân hàng cho hay, sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD. Hạn mức mới của ADB giúp ngân hàng mở rộng nguồn lực tài chính, củng cố vị thế của ngân hàng trong lĩnh vực tài trợ thương mại.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tận dụng tối đa nguồn tài trợ để mang đến các giải pháp tài chính tối ưu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt, đồng hành nền kinh tế hội nhập, phát triển bền vững.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, nhà băng ghi nhận tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng huy động vốn tăng 9,1% so với đầu năm, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay cũng tăng 15,1% so với đầu năm và 18,9% so với cùng kỳ.
Ngoài các chỉ số về tài sản, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2024 của Eximbank tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ an toàn vốn CAR duy trì ở mức 12-14%, vượt 8% ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Với sự kiện tăng vốn điều lệ và những bước tiến mới trong hợp tác quốc tế, Eximbank cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Hoàng Đan