Hội nghị có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Sở Công thương cùng các công ty điện lực từ 21 tỉnh, thành phía Nam. Mục tiêu chính nhằm đánh giá tình hình, kết quả hoạt động cung cấp điện năm 2022, các tháng đầu năm 2023, đồng thời đề xuất kế hoạch triển khai công tác giai đoạn 2024-2025.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVNSPC cho biết từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam. Đồng thời, ông mong các đơn vị cơ sở có thông tin mới cập nhật kịp thời để các bên phối hợp nhịp nhàng trong quá trình quản lý điều hành ngành điện.
Ông Đoàn Đức Hưng, Phó Tổng giám đốc công ty cũng khẳng định nhờ sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, ngành đã cung cấp điện ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quốc phòng an ninh trên địa bàn các tỉnh phía Nam.
Nhiều lĩnh vực công tác đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển lưới điện, thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo... cũng đang được triển khai thuận lợi.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Màu, Đồng Nai... cũng đánh giá cao nỗ lực trên. Họ cho biết sẽ luôn đồng hành, tích cực hợp tác, hỗ trợ các đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ trong công tác đầu tư xây dựng và cung cấp điện.
"Chúng tôi ghi nhận và trân trọng ý kiến đóng góp của các đại biểu, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. EVNSPC cũng mong các địa phương tiếp tục đồng hành, ủng hộ hoạt động của ngành điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam", Tổng giám đốc EVNSPC chia sẻ.
Về các kiến nghị công tác đầu tư xây dựng, ông Đức cho biết công ty đã có những giải pháp cụ thể, mong các địa phương phối hợp để công tác diễn ra trôi chảy. Lãnh đạo ngành điện cũng xác định đây là yếu tố quan trọng trong hoạt động phối hợp giữa hai bên.
Song song đó, ông cho rằng tất cả công trình liên quan đến điện trước khi thực hiện đều phải trình qua Sở Công thương để có sự gắn kết giữa ngành với địa phương. Trong đó, ngành công thương nắm rõ cơ cấu, phân bổ của mỗi công trình. Sở Công thương cũng là đầu mối tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, dành nguồn ngân sách cho các công trình thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015-2020 (dự án 2081) nhằm xóa câu đuôi, câu phụ...
Liên quan đến lộ trình thay đổi lịch ghi chỉ số về ngày cuối tháng, các công ty điện lực thuộc EVNSPC đang triển khai để tuân thủ đúng pháp luật, tăng sự minh bạch trong hạch toán chi phí và nghĩa vụ thuế với nhà nước theo quy định. Sự thay đổi này vẫn đảm bảo đủ quyền lợi của khách hàng, giúp họ giám sát, kiểm soát chỉ số, mức tiêu thụ điện theo ngày và số ngày của từng tháng, dễ nhớ ngày trả tiền điện...
Về điện mặt trời mái nhà, EVNSPC kỳ vọng Sở Công thương các địa phương tiếp tục cùng các sở ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp, chủ đầu tư tuân thủ, hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định trong thời hạn nhất định. Ông Nguyễn Phước Đức cho biết hiện Bộ đang trình ý kiến để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong công tác đầu tư.
Tổng giám đốc EVNSPC cũng nêu kiến nghị các địa phương cần đôn đốc chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà để họ ý thức về pháp luật.
"Thực tế hiện nay khi triển khai cũng có nhiều bất cập. Tuy nhiên công tác thanh toán vẫn được thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp với các dự án đủ điều kiện", ông Đức nói thêm.
Mặt khác, công ty cũng đưa ra một số kiến nghị ngành điện đề xuất đến lãnh đạo UBND các tỉnh phía Nam. Thứ nhất, ông mong các địa phương sớm hoàn tất hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2023. Đây sẽ là cơ sở cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án, công trình phát triển điện lực.
Thứ hai, đơn vị kiến nghị đưa vào trong quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh, đối với hợp phần phương án phát triển mạng lưới cấp điện. Trong đó, hệ thống lưới điện từ 110 kV trở xuống cho phép Bộ Công thương hoặc UBND tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trên cơ sở không vượt tổng quy mô theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng.
Thứ ba, với các dự án nằm trong danh mục lưới điện trọng điểm, đơn vị kiến nghị các Sở ngành hỗ trợ thỏa thuận tuyến hoặc bàn giao mặt bằng thi công, song song với triển khai các thủ tục xin "Quyết định chủ trương đầu tư" và các thủ tục pháp lý về đất đai.
Thứ tư, EVNSPC cũng kiến nghị xem xét triển khai thực hiện cắm mốc hành lang tuyến các đường dây 110-220 kV và các trạm biến áp đã có trong quy hoạch phát triển lưới điện được phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở cho các quận, huyện khi phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng (quy hoạch 1/2000 và 1/500), để bố trí phù hợp với quỹ đất và hướng tuyến của các dự án lưới điện.
Cuối cùng, công ty kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến và đăng ký kế hoạch sử dụng đất, gồm kế hoạch hàng năm và 5 năm của các dự án sau này. Đồng thời, đơn vị cũng kỳ vọng nhận được hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư với dự án điện song song với miễn thực hiện nghĩa vụ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư.
Cẩn Y