Vào ngày 20/6, lãnh đạo tỉnh Bình Phước có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC). Hai đơn vị trao đổi về tình hình cung cấp điện và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các công trình đầu tư, phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh do EVNSPC đầu tư.
Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng ở mức cao, trên 18,5% so với cùng kỳ năm 2023 và ước tính cả năm trên 15%. Tỷ trọng điện thương phẩm phục vụ phụ tải công nghiệp xây dựng tăng nhanh, chiếm gần 60% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Điều này cho thấy Bình Phước có thế mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng, tốc độ đô thị hóa cao.
Đại diện EVNSPC cho biết hiện nay gần như các trạm biến áp 110kV phục vụ cung cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh đang vận hành ở mức phụ tải cao, từ 75-95% liên tục nhiều tháng trong khoảng 12 tháng qua. Điển hình như tại các trạm 110kV Minh Hưng, Bình Long, Đồng Xoài, Bù Đốp...
Trong điều kiện nhiều trạm biến áp 110 kV đang phải vận hành ở mức tải cao, vượt ngưỡng cho phép trong suốt một thời gian dài, EVNSPC cho rằng nếu không giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn thì khó có thể đảm bảo việc cung cấp điện ổn định, an toàn. Nhu cầu tăng trưởng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục cao, nhất là mùa khô năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trước tình hình trên, EVNSPC đã chủ động triển khai đầu tư 18 công trình đường dây và trạm 110 kV trên địa bàn tỉnh, trong đó kế hoạch năm 2024 phấn đấu phải hoàn thành đóng điện 7 dự án. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số đường dây 110 kV đi qua đất quốc phòng, khu vực trồng cây cao su, khu quy hoạch khai thác quặng bô xít... Vì vậy hầu hết công trình đang có nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ nhiều tháng, nhiều năm.
Ông Lê Văn Trang, Chủ tịch HĐTV EVNSPC nêu ra những công trình cấp thiết tại tỉnh như trạm 110 kV Phú Riềng và nhánh rẽ đấu nối trạm 110 kV Phú Riềng; lộ ra 110 kV từ trạm 220 kV Phước Long (4 mạch); lộ ra 110 kV từ trạm 220 kV Phước Long (2 mạch). Ngoài ra còn có lộ ra 110 kV từ trạm 220 kV Chơn Thành (4 mạch); lộ ra 110 kV từ trạm 220 kV Chơn Thành (2 mạch); đường dây 110 kV trạm 220 kV Bến Cát - trạm 220 kV Chơn Thành; trạm 110 kV Đồng Xoài 2 và nhánh rẽ đấu nối trạm 110 kV Đồng Xoài 2...
EVNSPC mong muốn chính quyền địa phương các cấp, các sở ngành của tỉnh, của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn và nhân dân có công trình đi qua ủng hộ, đồng thuận để sớm có mặt bằng thi công.
"Đây là nền tảng để đáp ứng nhu cầu về điện trên địa bàn đang trên đà tăng trưởng nóng, một tỉnh đang có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam bộ", ông Lê Văn Trang nói.
Đại diện EVNSPC cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, có tính cấp bách để tỉnh theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo thường xuyên hơn. Đồng thời, đơn vị kỳ vọng các sở, ban ngành, chính quyền địa phương không xem ngành điện giống như một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng với mục tiêu lợi nhuận đơn thuần mà là một đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo việc cấp điện phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng, bố trí cho EVNSPC được báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những công việc đã thực hiện cùng những khó khăn vướng mắc của từng dự án để kịp thời giải quyết, sớm đưa các dự án lưới điện vào vận hành, đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đại diện Tỉnh ủy đã chỉ đạo giao Sở Công Thương tổng hợp các nội dung buổi làm việc, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo trong buổi giao ban cấp ủy; yêu cầu các Bí thư huyện, thị, thành phố tháo gỡ các công trình, giải quyết cụ thể đối với từng dự án. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân trong việc bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho ngành điện đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án.
Hoài Phương