Trước những thông tin rò nước đập thủy điện, EVN chỉ nhận đây là hiện tượng thấm nước. Trong thông cáo, EVN nêu: "Hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là chưa đúng với sơ đồ thấm và thoát nước theo thiết kế. Hiện tượng này gây phản cảm trong dư luận xã hội".
![]() |
Nước rò rỉ bắn thành tia với cường độ mạnh ở đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
Theo EVN, nguyên nhân chính là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong những hành lang thu nước thân đập chưa đáp ứng tốt, một số ống thu nước giữa các tầng hành lang tắc, nước ứ đọng nhiều mà không thoát hết về hố thu nước.
EVN cho rằng, những trận động đất kích thích xảy ra trong thời gian gần đây tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có cường độ thấp hơn cường độ tính toán trong thiết kế, không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của đập. Theo quy luật tự nhiên, các dư chấn của động đất kích thích có cường độ thấp hơn nhiều và sẽ giảm dần theo thời gian.
Hiện tại, EVN huy động nhân lực thông rửa các ống thu thoát nước, sửa chữa, bổ sung rãnh thoát nước trong hành lang để thu hết nước về hố theo thiết kế. Chủ đầu tư cũng hoàn thiện hệ thống quan trắc và tiến hành đo đạc, phân tích số liệu và đánh giá kết quả một cách hệ thống. EVN phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu về diễn biến động đất và có đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của động đất trong khu vực công trình; tiếp tục kiểm tra bề mặt phía thượng lưu đập khi hạ thấp mực nước hồ và đề ra các giải pháp xử lý thấm bổ sung.
Trong thông cáo này, EVN khẳng định hiện tượng thấm về hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 đã giảm hẳn, đến 80%.
![]() |
Các công nhân khắc phục rò rỉ nước đập thủy điện Sông Tranh 2 bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nhấn mạnh: "Không thể xem thường sự rò rỉ nước từ thân đập thủy điện. Các ngành, các cấp cần lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra phương án xử lý tốt nhất".
Ông Phong cũng cho rằng, EVN nói là sẽ khắc phục rò đập chậm nhất đến tháng 7 là quá chậm. Mưa lũ sớm tràn về đe dọa đến con đập thì mối nguy cho tính mạng người dân vùng hạ lưu thật khó lường.
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn Việt Nam nhận định, không thể nhìn bằng mắt thường mà vội vàng đưa ra kết luận con đập rò rỉ nước tuôn chảy ào ạt như suối là đảm bảo an toàn. "Theo tôi, vấn đề xử lý đập rò rỉ nước thế này là hết sức phức tạp, cần phải cẩn trọng mời chuyên gia, tư vấn nước ngoài độc lập dùng trang thiết bị hiện đại tổng kiểm tra thì mới đưa ra giải pháp xử lý triệt để được", ông Giang nêu.
Theo tiến sĩ Giang, nguyên tắc trong xây dựng đập không thể chấp nhận giọt nước nào rò rỉ, thẩm thấu qua khe nhiệt chứ nói gì đến nước thấm xuyên qua đập chảy ào ạt.
Sáng nay, Thường trực huyện ủy cùng UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) họp khẩn cấp và đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 phối hợp cùng lãnh đạo địa phương tổng kiểm tra đập chính thủy điện cả bên ngoài lẫn bên trong đường hầm. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Trà My (Quảng Nam) bày tỏ: “Chúng tôi chưa tin kết luận của Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đưa ra về tình hình thủy điện Sông Tranh 2".
Theo kế hoạch, sáng nay Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam và văn phòng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng khảo sát đập thủy điện Sông Tranh 2. Tỉnh Quảng Nam đang tính đến phương án cứu nạn cứu hộ dân, đề phòng năm nay xảy ra bão lũ sớm trong khi việc khắc phục sự cố rò rỉ nước qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xong.
Chiều nay cuộc họp giữa các bên với Quân khu 5 cũng diễn ra để đánh giá lại tình hình rò nước đập thủy điện Sông Tranh 2.
Trí Tín