Tham gia buổi "Tư vấn trực tuyến sử dụng điện an toàn mùa mưa bão" diễn ra chiều nay trên VnExpress, Phó tổng giám đốc EVN Hanoi Nguyễn Anh Dũng khuyến cáo người dân chủ động đề phòng và xử lý khi gặp sự cố điện mùa mưa bão.
Ông cho biết, ngành điện có nhiều nỗ lực phòng chống mưa bão thời gian qua. Ngay từ tháng 3/2017, đã tăng cường thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn trong trạm biến áp, tôn nền trạm, nâng tủ hạ thế phòng ngập úng… Trên đường dây, bổ sung tiếp địa bị đứt hoặc mất, thay sứ vỡ, gia cố móng xử lý cột nghiêng, phát quang tán cây…
EVN Hanoi cũng đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa bão cuối năm. Cụ thể, khi mưa to gió lớn, người dân không đến gần đường dây điện đứt, cột điện đổ, trạm điện ngập úng. Nếu thiết bị trong nhà cháy chập, nên bình tĩnh cắt nguồn điện cấp vào, sau đó dùng bình cứu hỏa, cát hoặc hắt nước từ xa (tuyệt đối không phun vòi nước gây dẫn điện). Ngoài ra, ai cũng nên nắm rõ cách sơ cứu tại chỗ người bị điện giật.
Ông cũng lưu ý, thả diều, phơi quần áo trên dây diện sẽ bị phạt hành chính 200.000-500.000 đồng.
Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
Kính chào quý độc giả VnExpress,
Việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ và thường xuyên đối với mạch điện trong gia đình là rất cần thiết. Nhờ vậy, bạn có thể phát hiện các khiếm khuyết trong quá trình sử dụng để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn khả năng hư hỏng của thiết bị dẫn đến hậu quả xấu nhất.
- Tôi xin hỏi là mưa bão lớn gây sấm chớp thì có ảnh hưởng gì đến hệ thống điện sinh hoạt trong gia đình không? (Trần Văn Đức, 38 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Hiện các cột điện đều lắp đặt hệ thống chống sét đánh trực tiếp, nhằm bảo vệ mạng lưới điện. Tuy nhiên, khi sét đánh vòng ngoài vùng bảo vệ thì vẫn có thể gây mất điện trong hộ dân cư.
-
Khi các vùng bị ngập lụt thì Tổng công ty Điện lực có khuyến cáo gì cho người dân được biết và có theo dõi các vùng ngập lụt để cắt điện không?
Tôi cũng muốn biết thế nào là hành lang an toàn lưới điện? Các công trình nhà dân phải cách hành lang an toàn lưới điện bao nhiêu?
(Đoàn Trang, 30 tuổi, Cầu Giấy)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
1. Nguy cơ sự cố về điện, mất an toàn về điện trong mùa mưa bão có thể xảy ra. Việc cảnh báo an toàn lưới điện cho người dân nhằm phòng ngừa tai nạn, thiệt hại về người và tài sản là hết sức quan trọng.
Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đã ban hành tờ rơi thông báo đề phòng tai nạn điện mùa mưa bão, cách sử dụng điện an toàn cho người dân. Đồng thời phối hợp với các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt đài phát thanh phường xã.
Công tác tuyên truyền an toàn điện còn được triển khai tại các trường học, tổ dân phố, cán bộ chủ chốt của phường xã.
Tổng công ty cũng phối hợp với Sở Công Thương tập huấn huấn luyện quy trình kỹ thuật an toàn điện cho thợ điện địa phương, xử lý vi phạm hành lang lưới điện cao áp.
Tổng công ty sẽ cắt điện tại các vùng úng ngập theo phương án phòng chống thiên tai tại các đơn vị.
2. Hành lang an toàn lưới điện của đường dây dẫn điện trên không là khoảng không gian dọc theo đường dây, được giới hạn theo chiều dài, rộng và cao.
Ví dụ, công trình cách đường dây trần 22 kV lớn hơn hoặc bằng 2m. Với 35KV, chiều cao từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình, cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng, phải lớn hơn hoặc bằng 3m. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại Điều 11 của Nghị định 14 Ngày 26/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Khi có sấm sét to, cháu có nên ngắt hết các thiết bị điện trong nhà để chống cháy nổ không ạ? (Hoàng Anh, 32 tuổi, 0123577622)
- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Hiện nay hầu hết các thiết bị điện gia dụng trong nhà đều tích hợp bộ phận bảo vệ phòng chống sấm sét, cháy nổ. Tuy nhiên, nếu cẩn thận, bạn nên bình tĩnh rút phích cắm các thiết bị điện ví dụ như tivi, điện thoại, máy giặt...
-
Ở khu tập thể chỗ tôi, các hộ gia đình thường phơi quần áo trên dây cáp điện, nhiều khi không vắt kỹ nước chảy ròng ròng. Chúng tôi rất lo ngại về an toàn điện, đã nhắc nhở nhưng họ bảo không vấn đề gì, có giật thị họ bị trước. Tôi muốn hỏi việc này có nguy hiểm hay không?
(Hoàng Quân, 27 tuổi, Hà Nội)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Việc các hộ gia đình thường phơi quần áo trên dây cáp điện là vi phạm an toàn điện, gây chùng võng dây dẫn, giảm độ cao quy định. Về lâu dài có thể gây hư hỏng cách điện của dây dẫn, dẫn đến rò, chạm, chập, mất an toàn điện cho người xung quanh, có thể gây chập cháy rất nguy hiểm.
Bạn nên báo cho ngành điện, chính quyền địa phương sở tại biết để có biện pháp tuyên truyền và ngăn chặn kịp thời, tránh hậu quả khó lường.
- Để người dân biết cách phòng tránh tai nạn điện đáng tiếc khi mưa bão xảy ra, ông có lời khuyên gì? (Nguyễn Văn Long, 27 tuổi, Cầu Giấy)
- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Điện không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Người dân có kiến thức cơ bản về an toàn điện, nhận biết yếu tố nguy hiểm, cách cấp cứu và sơ cứu người bị điện giật. Trường học cũng nên dạy an toàn điện như tiết học an toàn giao thông.
Còn khi mưa bão xảy ra, nên chú ý những điều sau:
- Khi mưa to gió lớn, không nên ra đường. Nếu đang ở ngoài đường, không nên đứng dưới đường dây điện, không đứng cạnh sờ mó vào cột điện, tủ biến áp, tủ điện ven đường.
- Nước là môi trường dẫn điện rất tốt. Nếu thấy nhà có nguy cơ nước tràn vào, hãy cắt điện của nhà mình, chuyển thiết bị điện lên vị trí không ngập nước. Bảng điện, ổ cắm, công tắc nên lắp đặt ở độ cao trên một mét.
- Khi phát hiện khu vực mình đang ở úng ngập, có bất thường về điện, tuyệt đối không đến gần mà gọi đến hotline của EVN Hà Nội 19001288 hoặc công an gần nhất để được trợ giúp.
- Phải tránh xa và đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định với lưới điện cao thế. Không vi phạm và bảo vệ hành lang lưới điện cao áp mà Nhà nước ban hành.
-
Nếu vi phạm an toàn hành lang lưới điện như phơi quần áo trên dây điện, thả diều mắc dây điện… thì bị xử lý như thế nào?
(Việt Cường, 24 tuổi, Vĩnh Phúc)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Quy định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực ghi rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Thả diều, bóng bay, các vật bay khác, các loại pháo khi bắn ra có dây kim tuyến hoặc thả bất kỳ vật gì trên cao trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.
- Phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện.
-
Hiện tại gia đình tôi đang sống dưới đường điện 110kV, tôi xin hỏi khi sinh sống ở dưới đường điện này có được phép hay không? Muốn được phép, gia đình tôi phải làm gì?
(Nguyễn Đông, 42 tuổi, Hà Đông)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Chào bạn, căn cứ theo Luật Điện lực và Điều 13, Nghị định 14 của Chính phủ, thì công trình nhà ở của bạn đường phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, tuy nhiên phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Mái lợp phải bằng vật liệu không cháy
- Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra và bảo dưỡng, thay thế các bộ phận của công trình lưới điện cao áp.
- Khoảng cách bất kỳ của nhà ở đến dây dẫn gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không được nở hơn 4m.
- Cường độ điện trường không được nhỏ hơn: 5 kV/m tại bất kỳ điểm nào ở ngoài nhà cách mặt đất 1m; 1kV/m tại điểm bất kỳ bên trong nhà cách mặt đất 1m.
Ngoài ra trước khi xây dựng nhà ở, bạn phải thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên.
-
Xin hỏi ông, thế nào là điện cao thế và điện hạ thế? Cấp cứu người khi không may bị điện giật thế nào?
(Nguyễn Nga, 29 tuổi, Hà Nội)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Điện hạ áp là điện áp dưới 1.000V, cao áp là điện áp từ 1.000V trở lên.
Khi thấy người điện giật, bạn nên tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, sau đó sơ cấp cứu tại chỗ trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Khi có người bị điện giật, bạn phải nhanh chóng cắt các thiết bị đóng cắt gần nhất như: công tắc điện, cầu dao, cầu chì, máy cắt, áp tô mát hoặc rút phích cắm...
Trong trường hợp không cắt được mạch điện, phải phân biệt người bị nạn chạm vào mạch điện hạ áp hay cao áp để áp dụng:
Nếu là mạch điện hạ áp: Người cứu dùng sào tre hay gỗ khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân. Đứng trên bàn (bằng gỗ) túm quần áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện hoặc dùng dao búa có cán gỗ, chặt đứt dây điện. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách nguồn điện. Tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất.
Nếu là mạch điện cao áp: Phải có đầy đủ dụng cụ, trang bị an toàn như: ủng cách điện, găng, sào cách điện để gạt hoặc đẩy nạn nhân ra khỏi mạch điện.
Sau đó, kiểm tra tình trạng nạn nhân, sơ cấp cứu tại chỗ bằng cách thổi ngạt kết hợp với ép tim, băng bó cầm máu, cố định vết thương và thực hiện kiên trì cho đến khi có y tế đến.
Khi phát hiện thấy có người bị điện giật, nếu là mạch điện cao áp, dây tải điện bị đứt, cây cối đổ vào đường dây, trạm điện, cột điện bị đổ, vỡ sứ, phóng điện, trạm điện bị ngập nước... cần báo ngay cho hotline EVN Hà Nội 1900 1288 hoặc công an nơi gần nhất để xử lý cắt điện.
-
Chào ông, trường hợp cháy thiết bị tiêu thụ điện trong nhà, tôi nên làm gì? Cảm ơn ông
(Nguyễn Lân, 38 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
- Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn nên bình tĩnh cắt nguồn điện cấp vào (tìm thiết bị đóng cắt bảo vệ trong nhà, ngắt aptomat đảm bảo không có nguồn điện cấp vào thiết bị).
- Chạy ra khỏi nhà, hô hoán mọi người xung quanh cùng hỗ trợ chữa cháy nếu có cháy nổ.
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy trang bị sẵn (bình chữa cháy, cát, hắt nước chứ không phun vòi…) để dập cháy, đảm bảo không để ngọn lửa cháy lan và bùng phát lớn.
- Nếu không có khả năng khống chế, kiểm soát được sự cố cháy, gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo hotline 114.
-
Gia đình tôi có vườn cây nằm trong lưới điện cao áp trên địa bàn Sơn Tây. Trước mùa mưa bão vừa qua, đơn vị quản lý lưới điện có yêu cầu gia đình tôi phát quang, cắt tỉa để đảm bảo vận hành lưới điện. Ông cho tôi hỏi việc này có hợp pháp hay không?
(Chu Văn Sửu, 40 tuổi, Sơn Tây)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Chào bạn,
Do chưa rõ vườn nhà bạn trồng loại cây gì, nên tôi chưa khẳng định được việc này có hợp pháp hay không. Trường hợp loại cây phát triển nhanh trong khoảng thời gian 3 tháng, có thể vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện 110kV (nhỏ hơn hoặc bằng 3m), hoặc những cây không còn hiệu quả kinh tế, thì phải chặt bỏ và cấm trồng mới.
Còn với các loại cây khác thì bạn phải thực hiện cắt tỉa để đảm bảo khoảng cách an toàn đối với đường dây điện theo quy định. Chi tiết bạn có thể tìm hiểu tại Nghị định 14 của Chính phủ.
-
Tôi thấy ở nội và ngoại thành, có trường hợp địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích thuộc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Vấn đề này EVN giải quyết ra sao?
(Hải Phượng, 28 tuổi, Hải Phòng)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chừa phần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, nếu có. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn có công trình xây mới khi xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, do các chủ công trình thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm.
Công ty điện lực đã phối hợp với chính quyền địa phương, tích cực kiểm tra sớm, phát hiện và thông báo ngay tới ban chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp của quận huyện.
-
Chào ông, tôi muốn hỏi dây dẫn từ công tơ đến nhà tôi thỉnh thoảng bị hỏng. Vậy đơn vị nào chịu trách nhiệm thay thế?
(Hà Dũng, 32 tuổi, Láng Hạ)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Theo Luật điện lực năm 2014, dây từ công tơ đến nơi sử dụng điện là tài sản của khách hàng sử dụng điện. Vì vậy, khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm thay thế, sửa chữa khi xảy ra hư hỏng.
-
EVN Hanoi chuẩn bị ra sao để đảm bảo an toàn điện cho mùa mưa bão năm nay?
(Lê Việt Hùng, 35 tuổi, Hà Nội)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Ngay từ tháng 3 đầu năm, Tổng công ty đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra trong công tác quản lý vận hành, lập phương án sửa chữa, khắc phục các tồn tại trên lưới điện.
Ví dụ, tăng cường thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn trong trạm biến áp, tôn nền trạm, nâng cao tủ hạ thế hạn chế ngập úng… Trên đường dây, bổ sung tiếp địa bị đứt hoặc mất, thay sứ vỡ sứt, lấy lại độ võng, gia cố móng xử lý cột nghiêng, phát quang hành lang tuyến…
Các đơn vị điện lực thực hiện cắt điện theo phương án phòng chống thiên tai khu vực bị ngập úng, để đảm bảo an toàn. Ngoài ra các đơn vị còn chuẩn bị nhân lực, vật tư dự phòng đảm bảo xử lý nhanh chóng khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên thông tin đại chúng, khuyến cáo người dân đề phòng tai nạn điện và sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão.
-
Tôi thấy vào những ngày mưa bão to hay có tình trạng cây đổ, khiến cột điện đứt gãy gây nguy hiểm tính mạng con người. Vậy cho hỏi ngành điện Hà Nội có phương án gì gia cố hay giảm bớt tình trạng cột điện bị gãy đổ này không?
(Hải Minh, 38 tuổi, Tây Mỗ, Từ Liêm)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Chúng tôi đã có phương án phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão, trong đó nêu rõ phải chủ động xử lý các tồn tại trên lưới điện, gia cố cột nghiêng, thay thế cột yếu, dọn phát quang hàng lang lưới điện... nhằm giảm thiểu thiệt hại khi mưa bão xảy ra.
-
Tôi sống tại chung cư cao tầng, đợt giông lốc vừa qua, một số vật dụng cá nhân của các gia đình trên cao bay và mắc vào đường dây gây nổ lớn và mất điện. Ngành điện có khuyến cáo gì để đảm bảo an toàn cho người dân?
(Tiến Đạt, 35 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Đối với các tòa nhà đã có người dân sinh sống, ban quản lý tòa nhà cần thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình không phơi chăn màn, quần áo hoặc các vật liệu dễ rơi vào đường dây để đảm bảo an toàn cho gia đình và người dân xung quang.
Ngành điện khuyến cáo các chủ đầu tư, các hộ dân trong quá trình xây dựng phải có các biện pháp che chắn, chằng buộc kiên cố và không sử dụng các phương tiện thi công về phía đường dây.
-
Thưa ông, cột chiếu sáng đèn đường nhà tôi hay bị mất thì tôi cần phải liên hệ với ai để thông báo và giải quyết?
(Hoàng Dũng, 36 tuổi, Tây Mỗ)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Các đèn chiếu sáng thuộc sự quản lý của Công ty Chiếu sáng Thiết bị Đô thị Hà Nội, thuộc Sở xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên, bạn có thể phản ánh tới ban quản lý tòa nhà hoặc tổ dân phố để được giải quyết.
-
Nếu mưa bão trùng với đợt thu tiền điện, tôi không đi nộp trực tiếp được thì phải làm sao?
(Trần Yến, 43 tuổi, E9 Khu tập thể Vĩnh Hồ - Đống Đa - Hà Nội)- Ông Nguyễn Anh Dũng:
Bạn có thể sử dụng dịch vụ trích nợ tự động của EVN Hanoi bằng cách lập tài khoản tại một trong 14 ngân hàng hợp tác thu hộ tiền điện.
Bạn có thể đăng ký dịch vụ trực tiếp tại phòng giao dịch ngân hàng, phòng giao dịch công ty điện lực, hoặc đăng ký trực tuyến tại Cổng thông tin Điện tử TP Hà Nội, website evnhanoi.com.vn, hoặc gọi điện tới hotline 19001288.