Những ngày qua, một số người sử dụng điện tại Hà Nội thắc mắc tiền điện tháng 2 tăng cao mặc dù nhu cầu sử dụng không tăng, có trường hợp còn không sử dụng điện 7-10 ngày trong dịp Tết. Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hanoi) chia sẻ về vấn đề này.
- Lịch ghi chỉ số công tơ điện tháng 2 có khác gì các tháng trước, thưa ông?
- Việc ghi chỉ số, phát hành hóa đơn tiền điện đều được điều chỉnh cho phù hợp và thực hiện đúng Luật Điện lực, Thông báo số 3238/TB-LĐTBXH ngày 6/8/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Lễ, Tết âm lịch năm 2019.
Việc thay đổi ngày ghi chỉ số do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Để đảm bảo quyền giám sát việc ghi chỉ số của khách hàng, EVN Hanoi đã công khai lịch thay đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng và người dân; đăng tải thông tin trên các website của Tổng Công ty; nhắn tin SMS, thông báo tới khách hàng sử dụng điện về nội dung thay đổi lịch ghi chỉ số trong dịp Tết Nguyên đán...
Căn cứ quy định tại Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện (trường hợp thay đổi ngày ghi chỉ số dẫn đến số ngày sử dụng điện thực tế thay đổi so với tháng trước liền kề), EVN Hanoi cũng đã hướng dẫn phương pháp tính tiền điện với các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trong trường hợp ngành điện điều chỉnh lịch ghi chỉ số.
- Thay đổi ngày ghi chỉ số điện ảnh hưởng thế nào đến cách tính tiền điện tháng 2?
- Tôi khẳng định việc tính toán tiền điện được thực hiện đúng quy định. Giả sử khách hàng A ghi chỉ số công tơ theo lịch vào ngày 5 hàng tháng (ngày đầu kỳ hóa đơn là ngày 6) nhưng do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên chuyển sang ngày 12/2, điện năng tiêu thụ là 500 kWh.
Bình thường số ngày định mức nếu không dịch chuyển ngày ghi chỉ số tháng 2 (chu kỳ ghi chỉ số từ ngày 6/1 đến ngày 5/2) là 31 ngày và định mức giữ nguyên theo bậc thang cơ bản. Nhưng do có sự điều chỉnh, số ngày dùng điện thực tế của khách hàng từ ngày 6/1 đến ngày 12/2 là 38 ngày. Do đó, sản lượng điện và định mức bậc thang được tính toán như sau:
Phần sản lượng điện năng tính theo giá 1.549 đồng là: M1 = (50kWh : 31 ngày) x 38 ngày = 61 kWh.
Tương tự phần sản lượng điện năng tính theo giá 1.600 đồng là: M2 = (50kWh : 31 ngày) x 38 ngày = 61 kWh.
Phần sản lượng điện năng tính theo giá 1.858 đồng là: M3 = (100kWh : 31 ngày) x 38 ngày = 123 kWh.
Tương tự phần sản lượng tính theo giá 2.340 đồng và 2.615 đồng lần lượt là: M4 = M5 = 123 kWh.
Còn lại là sản lượng tính theo giá 2.701 đồng: M6 = 500-61-61-123-123-123 = 9 kWh.
Ta có bảng tính hóa đơn tiền điện:
STT |
Đơn giá |
Định mức cơ bản |
Định mức của khách hàng |
Sản lượng |
Tiền (đồng) |
1 |
1.549 |
50 |
61 |
61 |
94.489 |
2 |
1.600 |
50 |
61 |
61 |
97.600 |
3 |
1.858 |
100 |
123 |
123 |
228.534 |
4 |
2.340 |
100 |
123 |
123 |
287.820 |
5 |
2.615 |
100 |
123 |
123 |
321.645 |
6 |
2.701 |
Còn lại |
Còn lại |
9 |
24.309 |
500 |
1.054.397 |
||||
Tiền điện: |
1.054.397 |
||||
VAT (10%) |
105.440 |
||||
Tổng cộng |
1.159.837 |
Như vậy, định mức từng bậc thang của khách hàng A sẽ tính tương ứng định mức theo số ngày sử dụng điện thực tế và không làm tăng tiền điện ở mức cao nhất của khách hàng.
- Vậy cách tính tiền điện tháng 3 sẽ như thế nào?
- Đối với kỳ hoá đơn tháng 3, lịch ghi chỉ số công tơ vẫn là ngày 5 hàng tháng như cũ. Như vậy, số ngày định mức nếu không ảnh hưởng dịch chuyển ngày ghi chỉ số tháng 3 (chu kỳ ghi chỉ số từ ngày 6/2 đến ngày 5/3) là 28 ngày. Số ngày dùng điện thực tế của khách hàng A từ ngày 13/2 đến ngày 5/3 sẽ chỉ là 21 ngày và được tính toán tương tự bảng trên.
- Khi có các thắc mắc về cách tính tiền điện, người dân sẽ liên hệ với ai để được giải quyết?
- EVN Hanoi luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của khách hàng, ngay lập tức kiểm tra, xử lý và giải đáp một cách thỏa đáng.
Khi nhận thấy có những sự bất thường trong quá trình sử dụng điện, người dân Thủ đô có thể liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng (Tổng đài 19001288) của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội cùng các Phòng giao dịch khách hàng của Công ty Điện lực để được phục vụ kịp thời.
Phát Đạt