Kể từ khi hai nhà leo núi Tenzing Norgay Sherpa và Edmund Hillary chinh phục lần đầu năm 1953, đến nay có hơn 6.000 người đã leo lên đỉnh Everest. Lượng khách đổ đến ngày càng đông khiến lượng rác họ để lại càng nhiều. Everest ngày nay bị nhiều người gọi là "bãi rác cao nhất thế giới".
Vài ngày trước khi lên tới đỉnh Everest tháng 5/2023, nhà leo núi Tenzi Sherpa, người Nepal, đã quay một video về những đống rác khổng lồ toàn lều, bình oxy nằm là liệt dưới băng do người leo núi để lại.
Đoạn phim quay ở Trại 4 (Camp 4) ở độ cao gần 8.000 m so với mực nước biển và được gọi là "vùng tử thần" do điều kiện khắc nghiệt. "Trại bẩn nhất tôi từng thấy" và "rất buồn" về điều này, Sherpa viết trên Instagram về Camp 4. Các nhóm du khách, công ty thám hiểm đã cắt bỏ logo của công ty để tránh bị phát hiện rồi vứt lại những chiếc lều trên núi.
Chưa có số liệu chính thức song các chuyên gia ước tính rác trên đỉnh Everest thuộc địa phận Nepal lên tới hàng nghìn tấn và ngày càng tăng. Năm 2019, chính phủ Nepal và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương bắt đầu Chiến dịch Núi sạch, thu gom được hơn 10 tấn rác từ Everest. Năm nay chính quyền Nepal cấp 414 giấy phép leo núi, ít hơn mức kỷ lục 454 giấy phép năm 2023.
Tại các điểm bắt đầu chặng leo như Everest Base Camp (Trại Cơ sở) cao 5.364 m, lều, nhà vệ sinh di động, nhà bếp tại địa điểm này được quản lý tốt, rác thải không bị vứt bừa bãi. Nhưng khi đoàn người leo lên cao, việc quản lý rác trở nên khó khăn hơn.
Nepal từng đưa ra biện pháp ngăn xả rác trên núi. Khách trước khi leo phải đặt cọc 4.000 USD. Khi xuống núi, để lấy lại số tiền này, mỗi người phải mang xuống 8 kg rác. Dù vậy, lượng rác vẫn tiếp tục tăng. Các đội dọn dẹp phải thu gom mọi thứ, từ giấy gói bằng nhựa, chai, lon thủy tinh. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí One Earth cho biết đã tìm thấy vi hạt nhựa trong suối và nước tuyết trên Everest.
Shilshila Acharya, đồng sáng lập Avni Ventures, công ty tái chế rác thải thu gom từ trên núi, ước tính có khoảng 1.000 tấn rác và 350-400 thi thể nằm tại các ngọn núi ở Nepal. Acharya cho biết thiếu cơ chế quản lý hiệu quả ở vùng núi cao Himalaya của Nepal là một trong những nguyên nhân khiến rác ngày nhiều. Cơ quan giám sát rác thải chỉ có mặt trên đỉnh Everest, không có ở các ngọn núi khác dẫn đến khó giám sát trong các Trại Cơ sở và khu vực phía trên.
Từ đầu năm, chính quyền đô thị Pasang Lhamu, nơi giám sát hầu hết khu vực Everest, đã bắt buộc những người leo núi phải sử dụng túi đựng chất thải khi leo núi. Tuy nhiên, theo Sushil Khadka, đồng sáng lập Avni Ventures, "những chính sách như vậy đã hơi muộn". Ông nói, chính phủ nên nghiêm khắc yêu cầu các công ty thám hiểm chịu trách nhiệm về chất thải mà khách để lại.
Avni Ventures đã tái chế hơn 80 tấn rác thải lấy xuống từ các ngọn núi thuộc dãy Himalaya từ năm 2021. Rác thu được chủ yếu gồm thủy tinh, kim loại, nhựa và lượng lớn thực phẩm đóng hộp. Nhựa và giấy rất dễ tái chế, nhưng công ty chưa tìm ra giải pháp tái chế thủy tinh. Acharya cho biết họ đã "biến hóa" dây thừng leo núi thành đồ thủ công khi hợp tác với Maya Rai, đơn vị thuê phụ nữ địa phương dệt các mặt hàng thủ công. Tái chế dây thừng góp phần mang lại việc làm, thu nhập cho người dân cũng như thúc đẩy nghề thủ công bản địa ở Nepal.
Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha từ 2017 cũng bắt đầu biến rác thải trên núi thành tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc, trưng bày tại phòng trưng bày ở Syangbnoche nằm trên con đường du khách phải đi qua nếu muốn leo núi. Ngoài ra, các tổ chức còn biến các rác thải nhựa thành đồ lưu niệm bán cho du khách.
Họ cho biết đã quản lý và tái chế hơn 44 tấn rác thải tại Trại Cơ sở. Khoảng 15 tấn được gửi đến cơ sở quản lý rác trong khu vực và 6 tấn khác không thể đốt được đưa đến thủ đô Kathmandu tái chế. Số còn lại để đốt.
"Đốt rác là điều bắt buộc nhưng chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp thay thế", Kazi Sherpa - Chủ tịch Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha nói.
Một số người cho rằng vấn đề rác thải có thể giải quyết bằng cách hạn chế số lượng người leo núi. Khadka nói hoạt động leo núi ở Nepal đã trở thành "một cỗ máy kiếm tiền bữa bãi, chỉ mang lại lợi ích cho một số bên nhất định". Hiện là lúc Nepal phải dừng cấp phép các chuyến thám hiểm vùng núi cao, chỉ cho phép những chuyến thám hiểm có chất lượng.
Tháng 4, Tòa án Tối cao Nepal yêu cầu chính phủ hạn chế lượng khách leo Everest và cho biết quy định thu gom rác thải trên núi chưa thực hiện đúng mức. Tuy nhiên, một số người cho rằng giảm lượng khách "không khả thi xét từ góc độ kinh tế". Du lịch là nguồn sống của người dân địa phương nhưng những hộ gia đình được chính phủ phân bổ kinh phí để giám sát việc leo núi xả rác đã lơ là trách nhiệm của mình.
Tenzi Sherpa, người đăng video quay cảnh rác chất đống trên núi, cũng chỉ trích sự thiếu giám sát của các quan chức địa phương, yêu cầu chính phủ "trừng phạt các công ty gây ô nhiễm vùng núi".
Thiếu tá Karki thuộc quân đội Nepal lạc quan rằng đội của ông "gần như sẽ dọn sạch được Trại 4 trong năm nay nếu thời tiết cho phép". Ông nói chiến dịch của chính phủ đã khiến cả những người leo núi và nhân viên của họ có ý thức hơn về rác thải họ để lại.
Tuy nhiên, những người bảo vệ môi trường vẫn quan ngại vấn đề rác thải tiếp tục chất đống trên ngọn núi trong khi tổng lượng rác thải trên các ngọn núi thuộc dãy Himalaya vẫn chưa được xác định. Còn Acharya cho rằng Everest nổi tiếng hơn cả, trọng tâm dọn dẹp rác nên tập trung vào đó.
Anh Minh (Theo SCMP)