Theo Sách Trắng thường niên lần thứ 15 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố, việc cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ (hay còn gọi là sổ hồng) cho người nước ngoài đủ điều kiện đã chậm trễ kéo dài.
Hiệp hội này cho rằng điều đó đã ảnh hưởng đáng kể đến quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài bởi vì người mua nhà ở không có sổ có thể phải gánh chịu hậu quả nếu phát sinh tranh chấp với người bán.
"Sự chậm trễ trong cấp sổ hồng cho người nước ngoài cũng có thể khiến các nhà đầu tư ngoại ngại đầu tư thêm vào thị trường bất động sản", Sách Trắng nêu.
Tiểu ban Pháp luật EuroCham lập luận, nhà đầu tư nước ngoài cần sổ hồng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Sau khi rót tiền vào thị trường bất động sản bằng cách mua nhà, nếu không được cấp sổ, nhà đầu tư không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh quyền sở hữu nhà. Do đó, họ cũng sẽ không có quyền bán nhà cho người khác, dẫn đến khả năng hoàn vốn, thu lợi nhuận bị trì hoãn hoặc thất bại.
Người nước ngoài bắt đầu được mua nhà tại Việt Nam từ khi có Luật Nhà ở 2014. Nghị định 30 và 31 chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ và nhà ở riêng lẻ) trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại và ngoài những khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Bộ Xây dựng, kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực, số lượng nhà được người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn, với khoảng hơn 3.500 tổ chức, cá nhân. Họ chủ yếu mua chung cư ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Người mua chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.
Đến cuối năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan đầu tiên công bố danh sách căn hộ đã được cấp sổ hồng cho người nước ngoài. EuroCham kỳ vọng với tiền lệ này, việc cấp sổ hồng cho người nước ngoài đủ điều kiện cũng sẽ sớm được triển khai ở các tỉnh thành còn lại trong cả nước.
Tháng 11/2023, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật này tiếp tục quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở tại dự án nhà ở thương mại trong khu vực không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Người nước ngoài không được sở hữu quá 30% căn hộ trong một tòa chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kề) thì không quá 250 căn riêng lẻ trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường. Họ được sở hữu nhà ở tối đa 50 năm, gia hạn một lần trong thời hạn 50 năm.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để UBND cấp tỉnh xác định và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và cơ quan quản lý nhà ở của tỉnh danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở.
EuroCham khuyến nghị các địa phương cần sớm ban hành danh mục dự án không cho phép sở hữu nước ngoài. "Nếu không có danh mục dự án này, các cơ quan có thẩm quyền có thể bị nhầm lẫn trong việc cấp hoặc trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài", hiệp hội nêu.
Anh Kỳ