"Các thương hiệu lớn đang ngày càng bành trướng", hãng marketing thể thao Repucom nhận xét. Tại giải đấu tổ chức năm 1996 ở Anh, có tới một nửa trong số 16 đội bóng sử dụng sản phẩm của các thương hiệu ngoài bộ ba Nike, Adidas và Puma. Nhưng đến giải năm nay, con số đó chỉ là 4 trên 24 đội.
Thị phần của Adidas trong miếng bánh lợi nhuận bóng đá đang giảm sút vài thập kỷ gần đây, khi Nike tăng trưởng mạnh. Nhưng họ vẫn là công ty tài trợ trang phục cho 5 đội vô địch Euro gần đây nhất. Và năm nay, họ cung cấp sản phẩm cho 9 đội bóng, tăng so với 5 đội năm 1996.
Trong khi đó, Nike chỉ tài trợ một đội năm 1996, thì nay đã lên 6 đội. Puma cũng đẩy mạnh đầu tư cho bóng đá để bắt kịp 2 đối thủ xếp trên. Số đội bóng họ cung cấp trang phục đã tăng từ 2 lên 5 trong 20 năm qua.
Repucom cho biết Adidas và Nike đang trong "cuộc chiến thương mại khốc liệt" tại Euro 2016. Jon Stainer - Giám đốc Repucom Anh nhận xét: "Trong bóng đá, ở quy mô này, chỉ có 2 sự kiện giúp chúng ta có thể thực sự thấy cuộc chiến giữa Nike và Adidas. Đó là FIFA World Cup và UEFA European Championship (Euro)".
Tài trợ cho các đội bóng sẽ giúp các đại gia này "có cơ hội tăng hiện diện và có thêm người hâm mộ. Nếu muốn thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu, tháng tới sẽ là thời điểm quan trọng với các thương hiệu. Khi ấy, các chiến dịch truyền thông xã hội và nội dung video sẽ tràn lan", Stainer cho biết.
Ông nhận xét hai đại gia này đang thống trị trong mảng bóng đá, khi số đối thủ của họ giảm dần. Gần đây, Warrior và Under Amour cũng tuyên bố muốn tham gia cạnh tranh.
Nike thậm chí có tài trợ với riêng các cầu thủ. Công ty Mỹ này từ lâu đã ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), với các điều khoản thương mại "áp đảo tất cả cầu thủ khác tại Euro 2016". Tổng cộng, các hợp đồng cá nhân của anh có giá trị khoảng 19 triệu euro (21,5 triệu USD) một năm.
Xếp sau Ronaldo là Gareth Bale (Wales) với tổng trị giá 4 triệu euro (4,6 triệu USD). Anh này cũng có hợp đồng với Adidas.
Hà Thu (theo AFP)