Châu Âu ngày 28/7 cho biết đã đạt được thoả thuận với GlaxoSmithKline (GSK), mua hơn 220.000 liều Sotrovimab, thuộc nhóm kháng thể đơn dòng. Thuốc được đồng phát triển với công ty Vir Biotechnology của Mỹ, có thể sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ, chưa cần thở oxy.
Khoản hợp đồng giúp GSK thúc đẩy các nghiên cứu về Sotrovimab, sau khi chưa đạt nhiều thành công trong phát triển vaccine. Thay vì tạo ra loại vaccine riêng, hãng đã tập trung cung cấp liều tăng cường cho công ty dược Sanofi.
GSK cho biết thoả thuận hôm 28/7 là "bước tiến quan trọng để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại EU".
Sotrovimab đã nhận phê duyệt khẩn cấp ở Mỹ, đang được Cơ quan Dược phẩm EU (EMA) đánh giá. Tại Mỹ, thuốc dành điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, song có bệnh nền và thường dễ chuyển nặng.
Theo thỏa thuận, 16 trên 27 quốc gia trong khối EU có thể mua Sotrovimab nếu thuốc được EMA phê duyệt. Giá tiền mỗi liều chưa được tiết lộ. Người phát ngôn Uỷ ban châu Âu từ chối bình luận về vấn đề này.
Trước đó, EU ký thành công hợp đồng với "gã khổng lồ dược phẩm" Roche của Thụy Sĩ, mua 55.000 liều hỗn hợp kháng thể Regeneron. Châu Âu cũng đặt trước thuốc kháng virus Remdesivir của Gilead.
Mỹ có động thái tương tự. Hôm 9/6, nước này hoàn thành thoả thuận trị giá 1,2 tỷ USD với hãng dược Merck. Công ty sẽ cung cấp 1,7 triệu liệu trình điều trị Molnupiravir. Tương tự Tamiflu cho bệnh cúm, đây là loại thuốc kháng virus được sử dụng trong giai đoạn đầu mắc Covid-19.
Khi vaccine làm giảm số ca nhiễm nCoV, bác sĩ vẫn cần phương pháp điều trị cho các bệnh nhân. Molnupiravir đang trong nghiên cứu giai đoạn cuối đối với người không nhập viện, có ít nhất một yếu tố gây nguy cơ chuyển nặng. Merck dự kiến cho ra dữ liệu thử nghiệm vào tháng 9 hoặc tháng 10, có thể nộp đơn xin cấp phép trong năm nay.
Kết quả lâm sàng hồi tháng 4 cho thấy thuốc làm giảm nồng độ virus cho các bệnh nhân nhẹ, song chưa đủ hiệu quả ngừa nhập viện và tử vong. Thuốc không tác dụng trên người nhiễm nCoV nghiêm trọng.
Thục Linh (Theo Reuters)