"Chúng tôi đã thông qua gói trừng phạt thứ hai với quy mô lớn hơn nhiều nhằm vào 10 cá nhân và hai thực thể tài chính thuộc sở hữu của quân đội Myanmar", Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), thông báo hôm nay.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cáo buộc chính quyền quân sự Myanmar vẫn sử dụng bạo lực và "đưa đất nước vào ngõ cụt". "Đó là lý do chúng tôi gia tăng áp lực để buộc quân đội trở lại bàn đàm phán", ông nói thêm.
10 cá nhân bị trừng phạt gồm các quan chức Hội đồng Điều hành Nhà nước Myanmar, cùng hai tập đoàn gồm Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC). Biện pháp cấm vận gồm cấm nhập cảnh vào EU và đóng băng tài sản tại châu Âu.
Các nước châu Âu đang ngày càng gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar bằng cách nhằm vào các doanh nghiệp tài chính lớn. Mỹ và Anh đã áp trừng phạt với MEC và MEHL, Washinton cũng cấm vận công ty sản xuất đá quý nhà nước Myanmar.
Quân đội Myanmar, do tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, hôm 1/2 tiến hành đảo chính và bắt bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo chính quyền dân sự với cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020. Lực lượng quân đội tuyên bố sẽ trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự sau khi có kết quả về cuộc bầu cử mới.
Theo một nhóm quan sát địa phương, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar, ít nhất 720 người đã thiệt mạng và khoảng 3.100 người bị bắt. Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh báo Myanmar có thể đang tiến gần một cuộc xung đột toàn diện kiểu Syria.
Vũ Anh (Theo AFP)