Thông tin này được ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị về quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, ngày 2/8.
Ông Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, số lượng thông báo và dự thảo các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của Liên minh châu Âu (EU) tăng nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường, như Trung Quốc, gần như không có cảnh báo nào.
Theo đó, Việt Nam nhận 57 cảnh báo từ EU về tồn dư chất cấm, kháng sinh trong sản phẩm nông sản xuất sang thị trường này. Số này tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. TP HCM là địa phương nhận nhiều nhất, với 23 thông báo.
Ông Nam cho hay việc này đã làm tăng tần suất kiểm tra biên giới của nông sản Việt. Hiện tại, 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra cao, gồm thanh long 30%, ớt và đậu bắp là 50% và sầu riêng 10%.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cũng cho hay nhiều năm qua, các mặt hàng gia vị liên tục bị cảnh báo về dư lượng thuốc, vi sinh vật gây hại và kim loại nặng.
Tại hội nghị trước đó, Bà Coulon Sylvie, chuyên gia cao cấp của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE) của Ủy ban châu Âu, cho biết Việt Nam gia tăng mối nguy về dư lượng thuốc trừ sâu và nhiễm khuẩn vi sinh (salmonella), cũng như aflatoxins. Hạt tiêu Việt đang chịu tần suất kiểm tra 50% khi nhập khẩu vào EU. Nếu tình hình không được cải thiện, EU có thể áp dụng biện pháp ngưng nhập một số mặt hàng từ Việt Nam.
Nguyên nhân nông sản Việt bị gia tăng cảnh báo, theo ông Nam, do doanh nghiệp xuất khẩu chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Hiện mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) khác nhau ở mỗi nước. Thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và phân bón không đúng hướng dẫn ở nhiều nơi cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Chẳng hạn có tới 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh và nhiều vùng trồng sầu riêng vẫn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cũng là một yếu tố. Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đạt yêu cầu. Ví dụ, hiện mới có khoảng một nửa vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên cả nước được giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Để giảm thiểu ảnh hưởng khi nông sản Việt xuất sang EU, ông Nam cho rằng doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về sử dụng thuốc, kháng sinh và giám sát chặt vùng trồng, cơ sở đóng gói. Văn phòng SPS Việt Nam cam kết hỗ trợ thông tin về kiểm dịch và an toàn thực vật, giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt các quy định trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và FTA giữa Việt Nam - EU.
Thi Hà