Trong cuộc họp diễn ra vào thứ 5, EU đã đồng ý hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tạo ra một gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp. Tuy trong thỏa thuận không có con số cụ thể, nguồn tin từ Ủy ban châu Âu cho biết gói cứu trợ có thể trị giá 20 đến 22 tỷ euro. Trong đó, EU sẽ chịu hai phần ba chi phí và IMF gánh phần còn lại. Thủ tướng Hy Lạp tỏ rõ sự hài lòng với động thái này.
Thủ tướng Hy Lạp vui mừng trước quyết định nhanh chóng của khối EU, đồng ý sẽ đưa ra một gói cứu trợ bằng tiền "thật", thay vì chỉ hứa suông như trước đây. Ảnh: Reuters |
Tin tức trên đáng lẽ sẽ khá tích cực đối với sức khỏe của đồng euro. Tuy nhiên, thực tế thì đồng tiền chung châu Âu vẫn mắc kẹt ở mức thấp nhất suốt nhiều tháng qua so với USD, do giới đầu tư nhìn nhận sự việc theo hướng EU không thể tự mình giải quyết vấn đề.
Đến sáng nay, đồng euro chỉ nhích nhẹ 0,3% giá trị so với hôm qua. Từ mức thấp nhất kể từ hồi tháng 5/2009 ở 1,3267 USD mỗi euro, hiện 1 euro tương đương 1,3305 USD. Còn chỉ số Dollar Index chỉ giảm chút ít so với mức cao nhất suốt 10 tháng qua ở 82,40 điểm.
Thị trường vàng và dầu thô phản ứng khá lặng lẽ trước những tin tức từ châu Âu. Giá vàng hầu như không biến động nhiều trong ngày thứ 5, đóng cửa ở mức trên 1.090 USD, nhích nhẹ khoảng 3 USD so với mở cửa. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng với thị trường này là đà xuống dốc kéo dài từ đầu tuần đã bị chặn lại. Hôm qua, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 mất 8 cent, xuống còn 81,41 USD một thùng. Đến sáng nay, mỗi thùng dầu tương đương 80,67 USD.
Chính phủ Dubai sẽ bơm 9,5 tỷ USD cho Tập đoàn Dubai World - thủ phạm làm thị trường tài chính toàn cầu điên đảo cuối năm ngoái. Dubai World đã lên kế hoạch tái cấu trúc núi nợ lên tới 23,5 tỷ USD, trong đó khoảng 8,9 tỷ USD sẽ được chứng khoán hóa. Kế hoạch này đang chờ ý kiến của các chủ nợ.
Tháng 11 năm ngoái, thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu hoảng loạn khi Dubai World để lộ ra khoản nợ khổng lồ và yêu cầu các chủ nợ cho trả chậm 6 tháng. Tập đoàn đầu tư này là hạt nhân của nền kinh tế Dubai, từng vay tiền rất nhiều để biến nơi đây thành trung tâm du lịch, thương mại và dịch vụ tài chính.
Báo cáo cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tại Mỹ giảm nhiều hơn dự báo và doanh nghiệp bắt đầu thuê nhân công trở lại. Lần giảm này đưa số lượng đơn thất nghiệp trung bình của 4 tuần vừa rồi về mức thấp nhất kể từ hồi tháng 9/2008. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động Mỹ, một trong những mảng chậm phục hồi nhất, cuối cùng cũng bắt đầu đi lên.
Bức ảnh chụp Damashata Washington đang tìm việc làm hôm 9/3 tại một trung tâm lao động. Báo cáo mới nhất cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ đang giảm dần. Ảnh: AP |
Mặc dù vậy, hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben S. Bernanke nhận định triển vọng ngân sách của Mỹ có vẻ xấu trong trung hạn và Quốc hội cần quyết định nhanh một kế hoạch để ngăn chặn thâm hụt. Trước đó, thâm hụt ngân sách Mỹ đạt con số kỷ lục 1.400 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/9 vừa rồi. Chính quyền Obama dự báo con số có thể tăng lên 1.500 tỷ trong năm tài chính hiện nay.
Trung Quốc có thể sớm quay trở lại chính sách thả nổi đồng nhân dân tệ "một cách có quản lý", theo một cố vấn ngân hàng trung ương nước này. Mặt khác, họ cũng sẽ ngăn chặn nguy cơ đồng nội tệ tăng giá đột ngột, khiến ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định nước này không sớm thì muộn cũng phải kết thúc dần các chính sách chống khủng hoảng, trong đó có chính sách neo đồng nhân dân tệ so với USD kể từ hồi tháng 7/2008. Kể từ đó đến nay, giá trị đồng tiền Trung Quốc liên tục đi xuống.
Theo số liệu mới điều chỉnh, nền kinh tế Ireland thụt lùi tới 7,1% trong năm ngoái và đây là con số tăng trưởng giảm lớn nhất trong lịch sử nước này. Mặc dù vậy, Bộ trưởng tài chính Ireland nhấn mạnh kết quả trên vẫn còn tốt hơn dự báo suy giảm 7,5% của Bộ. Ireland hy vọng cùng với sự phục hồi của kinh tế Mỹ và phần còn lại của khu vực châu Âu, nước này sẽ có thể tăng trưởng trở lại vào nửa sau năm 2010.
Thanh Bình