Lãnh đạo EU họp báo sau quyết định cứu trợ Hy Lạp hôm qua. Ảnh: AFP |
Chung tay với Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng quyết định sẽ bơm thêm 15 tỷ EUR ngay trong năm 2010 cho Athens. Nhiều khả năng, đây có thể được xem là gói cứu trợ tài chính đa quốc gia lớn nhất trong lịch sử lên tới 45 tỷ EUR (61 tỷ USD) kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng nổ ra.
Con số này làm cho giá trị các gói giải cứu trước kia mà IMF dành cho Mexico (17,8 tỷ USD) và Argentina (22 tỷ USD) trở nên nhỏ bé. Các nhà chức trách Hy Lạp cho hay, chính phủ sẽ quyết định có nhận hay không gói cứu trợ này trong vài ngày tới. Lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay kỳ hạn 3 năm của EU là 5%, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất trên thị trường 7,3%.
Về phía Hy Lạp, các quan chức Bộ Tài chính nước này dự đoán cần ít nhất 80 tỷ EUR trong thời gian 3 năm mới có thể củng cố sức khỏe ngành tài chính sau cơn bão khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sự khu vực đồng tiền chung.
Đồng euro tăng giá mạnh sau quyết định của EU. Một đôla Mỹ hiện đổi được 1,3653 USD, giảm 1% so với cuối tuần trước.
Đôla yếu đi giúp dầu tăng giá trở lại sau 4 ngày liên tiếp đi xuống. Giá dầu thô giao tháng 5 tại Mỹ tăng 79 cent lên 85,71 USD một thùng. Dầu Brent tại London tăng 60 cent lên 85,43 USD mỗi thùng. Thông tin từ thị trường Trung Quốc cũng là một nguyên nhân giúp giá dầu tăng nhiệt. Trong tháng ba, lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21,1 triệu tấn.
Mùa công bố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ trong quý I/2010 sẽ bắt đầu được công bố vào ngày hôm nay, sau khi cả 3 chỉ số chính trên phố Wall kết thúc tuần tăng điểm thứ sáu liên tiếp - chuỗi lên điểm dài nhất trong 12 năm. Theo khảo sát của Reuters, giới phân tích thị trường Mỹ dự báo lợi nhuận quý I của doanh nghiệp Mỹ dự kiến sẽ tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 11/4, Alcoa Inc - Tập đoàn khai thác nhôm lớn nhất thế giới sẽ trình công chúng số liệu lợi nhuận trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2010 ngay sau khi thị trường chứng khoán mở cửa. Nhóm các công ty lớn sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần bao gồm Intel, Google, General Electric và JP Morgan Chase. Tuần này, nhà đầu tư Mỹ cũng sẽ đón nhận các thông tin về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, số lượng nhà xây mới, và chỉ số niềm tin người tiêu dùng. Các chỉ báo trên sẽ giúp đánh giá tốc độ phục hồi của nền kinh tế rõ nét hơn.
Trong một tuyên bố được công bố ngày cuối tuần, Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định đánh thuế chống bán phá giá từ 30-99% đối với ống thép Trung Quốc nhập khẩu được đưa ra sau một cuộc điều tra phát hiện sản phẩm ống thép của Trung Quốc đang được bán thấp hơn từ 29,94 đến 99,14% so với giá trị thực khi giao dịch trên thị trường Mỹ. Giới phân tích dự đoán động thái trên của Bộ Thương mại Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Trước đó, ngày 4/3, cơn quan này cũng thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với một sản phẩm gạch nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2009, kim ngạch nhập khẩu ống thép của Trung Quốc vào Mỹ đạt 1,1 tỷ USD.
Toyota đối mặt với án phạt lên tới cả chục tỷ USD. Nếu không bị giới hạn của khung hình phạt theo pháp luật Mỹ quy định, thì tổng số tiền phạt mà Toyota sẽ phải đối mặt có thể lên tới 13,8 tỷ USD, Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) cho biết. Theo luật pháp Liên bang Mỹ, các công ty sản xuất xe hơi có trách nhiệm phải báo cáo lên NHTSA bất kỳ sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn của sản phẩm trong thời gian 5 ngày kể từ khi phát hiện được sự cố đó. Tuy nhiên, theo các tài liệu mà NHTSA thu thập được, thì Toyota đã giấu biệt những lỗi này trong ít nhất 4 tháng. Khoản tiền phạt 16,4 triệu USD mà NHTSA phán quyết đối với Toyota là mức án cao nhất mà một công ty sản xuất xe hơi phải gánh chịu do vi phạm luật pháp Mỹ từ trước đến nay. Tuy nhiên, cơ quan này đang xem xét thêm những án phạt khác đối với hãng xe lớn nhất Nhật Bản.
Ngân hàng Barclays rao bán câu lạc bộ bóng đá Liverpool FC. Dẫn nguồn tin được cung cấp bởi Reuters, những ông chủ người Mỹ của “Quỷ đỏ” vùng Merceyside đã chỉ định ngân hàng Anh Barclays làm đại diện trong thương vụ chuyển giao quyền sở hữu câu lạc bộ bóng đá giàu thành tích nhất nước Anh Liverpool. Như vậy, Barcalays có trách nhiệm tìm kiếm các đối tác quan tâm tới việc mua lại Liverpool, cũng như lo liệu các thủ tục liên quan. Hiện tại khoản nợ mà Liverpool đang phải gánh chịu lên tới 237 triệu bảng, với 2 chủ nợ chính là ngân hàng hoàng gia Scotland (RBS) và ngân hàng Wachovia của Mỹ. Theo yêu cầu từ các nhà băng này, đến 30/6 tới Liverpool phải thanh toán 100 triệu bảng, một số tiền quá sức mà các ông chủ Mỹ có thể bỏ ra nếu không bằng cách bán hàng loạt trụ cột hoặc chuyển giao câu lạc bộ cho một ông chủ khác.
Công ty WiLAN Inc (Canada) đã đệ đơn lên tòa án tại bang Texas của Mỹ, kiện 19 công ty điện tử hàng đầu thế giới vi phạm bản quyền công nghệ bluetooth. Công ty có trụ sở tại Ottawa (Canada) này cho rằng, công nghệ bluetooth - hệ thống truyền tín hiệu không dây, của công ty đã được đăng ký bản quyền sở hữu từ năm 1996. Các công ty bị kiện lần này gồm Acer, Apple, Atheros, Belkin, Broadcom, D-Link, Dell, Gateway, Hewlett-Packard, Intel, Lenovo, LG Electronics, Marvell Semiconductor, Motorola, Texas Instruments, Toshiba, UTStarcom, Personal Communications Devices và Sony. Những hãng này bị cáo buộc sản xuất máy tính cá nhân, điện thoại di động và các thiết bị khác, sử dụng bluetooth thuộc bản quyền được WiLAN sở hữu. Số tiền đòi bồi thường cụ thể chưa được WiLAN đưa ra. Một số nhà phân tích cho rằng, có thể mỗi công ty sẽ thương lượng trả cho WiLAN khoảng 50.000 USD để giải quyết vụ việc này.
Nguyễn Hùng