Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 23/8 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhìn ra "sự mệt mỏi và miễn cưỡng của người dân châu Âu khi phải gánh chịu hậu quả từ việc ủng hộ Ukraine".
Ông Borrell cáo buộc Tổng thống Nga đang đặt cược rằng phản ứng đoàn kết của EU với xung đột ở Ukraine sẽ bị phá vỡ khi tình trạng giá cả tăng vọt ảnh hưởng tới người dân châu Âu.
Quan chức hàng đầu EU cho biết khối này sẽ đối mặt những cái giá phải trả, đồng thời nhấn mạnh cần duy trì sự gắn kết của 27 quốc gia thành viên "từng ngày".
Ông Borrell tuần tới sẽ tổ chức các cuộc họp với ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng các nước EU tại Praha, với hy vọng củng cố "mặt trận ngoại giao đoàn kết" chống lại Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các quốc gia thành viên EU đã nhất trí loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và giới chức nước này, trong đó có cả những lĩnh vực chủ chốt của Moskva như năng lượng và vàng.
Tuy nhiên, tình trạng giá năng lượng và lạm phát tăng vọt hiện nay khiến một số thành viên EU, bao gồm cả trụ cột kinh tế chính là Đức, phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hôm 29/7 công bố lạm phát tháng 7 của khu vực đồng euro ở mức cao kỷ lục là 8,9%. Tại Đức, lạm phát là 7,5% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát lên mức cao nhất 38 năm là 10,8%.
Châu Âu là thị trường và khối liên minh thương mại khổng lồ, nên các biện pháp trừng phạt kinh tế từ EU có thể ảnh hưởng nặng nề tới đối phương. Tuy nhiên, mọi biện pháp trừng phạt từ EU phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Hungary, quốc gia được coi là ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU, đã nhiều lần chỉ trích lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva và cảnh báo châu Âu "tự bắn vào phổi".
Ngọc Ánh (Theo AFP)