"Anh có thể chính thức tuyên bố muốn rời Liên minh châu Âu (EU) qua một bức thư gửi cho chủ tịch Hội đồng châu Âu, hay một tuyên bố chính thức tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu, được ghi lại trong biên bản của cuộc họp", một phát ngôn viên của hội đồng các nhà lãnh đạo EU nói.
Một quan chức EU thứ hai nói thêm rằng: "Tuyên bố không cần phải được viết ra, ông ấy có thể tuyên bố miệng cũng được".
Khi Anh tuyên bố chính thức với EU, Điều 50 trong Hiệp ước của EU sẽ được kích hoạt nhằm bắt đầu quá trình hai năm để Anh rời khỏi liên minh.
Ngày 28/6, ông Cameron sẽ thuyết trình trước 27 nhà lãnh đạo thuộc EU tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Brussels, về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, khi người Anh chọn rời khỏi EU.
Phát ngôn viên Hội đồng châu Âu nhấn mạnh tuyên bố phải thật rõ ràng. "Việc thông báo kích hoạt Điều 50 là một hành động chính thức và phải được thực hiện bởi chính phủ Anh đến Hội đồng châu Âu", người phát ngôn nói. "Việc này cần phải được thực hiện một cách rõ ràng".
"Các cuộc đàm phán về cuộc chia tay và mối quan hệ trong tương lai chỉ có thể bắt đầu sau khi Anh đã kích hoạt Điều 50. Nếu chính phủ Anh thực sự muốn rời khỏi EU, thì họ nên làm vậy càng sớm càng tốt", ông nói thêm.
Khi được hỏi liệu Anh có thể khởi động quá trình rút khỏi liên minh nhưng sau đó bỏ giữa chừng và yêu cầu ở lại được hay không (hiệp ước không có quy định rõ về trường hợp này), một quan chức EU trả lời: "Một khi đã kích hoạt thì không thể nào rút lại". Tuy nhiên, giả sử Anh đã rút khỏi EU nhưng sau đó muốn tái gia nhập thì về lý thuyết họ hoàn toàn có thể làm vậy.
Hôm 24/6, Thủ tướng Cameron cho biết ông sẽ để lại cho người kế nhiệm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước EU. Phát biểu này của thủ tướng Anh dường như trái ngược với cam kết khởi động quá trình ra khỏi EU ngay lập tức sau khi bỏ phiếu mà ông từng hứa. Việc trì hoãn của ông Cameron khiến các nhà lãnh đạo EU mất kiên nhẫn vì họ muốn giải quyết nhanh chóng để hạn chế tình trạng lấp lửng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao Bỉ có tên Didier Seeuws nhằm sắp xếp đàm phán với Anh. Ông Seeuws từng là cấp dưới của Herman Van Rompuy, cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho đến năm 2014. Ông từng là phát ngôn viên của Guy Verhofstadt, thủ tướng Bỉ năm 1999-2008.
Xem thêm: Vì sao Anh không thể ngay lập tức rời EU
Anh liệu có bỏ phiếu lại về quyết định rời EU
Phương Vũ