Tại cuộc họp chiều 20/3, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. "Đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này", ông nói.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ cho biết, ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.
Theo ông Linh, Phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... "Chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam - EU", ông Linh nhấn mạnh.
Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU, Mỹ đang hoãn, huỷ buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.
Dù vậy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận xét, do loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu, Mỹ đóng cửa vì Covid-19, những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật cùng doanh nghiệp xuất khẩu, thương vụ Việt Nam tại 2 thị trường này để đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày", ông Linh nói thêm.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin thêm, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Việc này khiến dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ Covid-19. Nguồn nguyên liệu sản xuất vừa được cải thiện từ đầu tháng 3, hiện lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, trong khi EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may, da giày. Chưa kể, lượng lao động trong ngành dệt may, da giày trên 2 triệu người. Vì thế áp lực đảm bảo công tác an sinh xã hội, việc làm rất lớn.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) gọi việc các đối tác dừng đơn hàng "là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động". Ông Trường tính toán, số lượng đơn bị huỷ tương đương với năng lực sản xuất trong nửa tháng của nhiều đơn vị trực thuộc Vinatex, khoảng 3-3,5% sản lượng cả năm 2020.
Tại Mỹ, một thị trường lớn của dệt may Việt Nam, có phản ứng sớm nhất. Do đó, những doanh nghiệp có đơn hàng đi Mỹ phải chịu ảnh hưởng sớm hơn. Ông Nguyễn Đức Trị - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ cho biết, ba ngày trước đồng loạt các khách hàng Mỹ của doanh nghiệp đang giao dịch theo phương thức FOB thông báo ngưng, lùi giao hàng, thậm chí huỷ đơn hàng thành phẩm. Họ cũng ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn đã xác nhận.
Ông Trị thống kê, tổng số hàng doanh nghiệp này bị huỷ khoảng 350.000 sản phẩm; đơn hàng lùi thời gian sản xuất 100.000 sản phẩm; và hơn 150.000 sản phẩm sẽ bị dừng sản xuất. Nhà mua từ Mỹ cũng đề nghị lùi thời gian thanh toán từ 30 lên 60 ngày.
Trước khó khăn này, ông Trương Thanh Hoài kiến nghị kéo dài thời gian giãn, hoãn nhóm nợ của các doanh nghiệp này dài hơn so với các ngành, lĩnh vực khác.
Ông cũng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu rà soát, tìm thị trường xuất khẩu mới cho dệt may - những thị trường vẫn đang có nhu cầu tiêu dùng. Cùng đó thúc đẩy xuất khẩu dệt may, da giày sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi dịch bệnh được kiểm soát khả quan.
"Tỷ trọng hàng dệt may, da giày Việt Nam xuất sang EU, Mỹ chiếm tới 70%, việc thay thế ngay thị trường là khó, nhưng vẫn cần tìm thị trường mới để giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Hoài nói.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đầu tuần tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU, trong đó các mặt hàng đem lại kim ngạch tỷ USD là dệt may, da giày, nông sản, máy móc thiết bị... Với Mỹ, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường này năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ vẫn đạt xấp xỉ 2,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay dù ảnh hưởng của Covid-19.
Anh Minh