Các nhà lãnh đạo Liên mình châu Âu (EU) vừa thống nhất phương án thiết lập một hệ thống giám sát được quản lý bởi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Đây là một trong những bước tiến để thành lập liên minh ngân hàng, nơi các nhà quản lý có thể thống nhất được cách giải quyết vấn đề nợ công, đảm bảo sự tồn tại của đồng euro.
Kế hoạch này làm dấy lên lo ngại trong 10 quốc gia không sử dụng đồng euro. Các nước này sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ quyền hạn mới của ECB, đẩy họ vào thế bất lợi dù có tham gia chương trình này hay không. Muốn đưa kế hoạch vào thực tiễn, các nhà ngoại giao phải tìm cách để thuyết phục các nước bên ngoài eurozone như Đan Mạch, Thụy Điển tham gia.
Các quan chức của EU đã đưa ra bản phác thảo kế hoạch phá vỡ thế bế tắc trong khu vưc. Hội đồng giám sát của ECB sẽ đóng vai trò chính trong việc quản lý cho vay và các nước không thuộc eurozone sẽ bỏ phiếu để quyết định. "Bằng việc bỏ phiếu quyết định, các quốc gia không sử dụng đồng euro sẽ được đối xử bình đăng hơn", một quan chức của EU cho biết.
EU mong muốn các nước châu Âu không sử dụng đồng euro sẽ tham gia vào liên minh ngân hàng. Ảnh Bloomberg |
ECB sẽ là chìa khóa để đưa ra các quyết định. Đây cũng là nỗi lo của các nước ngoài eurozone như Hungary nếu như muốn tham gia. Một vấn đề nữa là về mặt cơ chế chính sách, ECB chỉ giải đáp thắc mắc đối với 17 nước thành viên của eurozone và các số liệu sẽ không còn ở phạm vi một quốc gia nữa.
Kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng bao gồm ba bước. ECB sẽ nắm quyền kiểm soát ngân hàng các nước thành viên eurozone và các nước tham gia. Sau đó, một quỹ cứu trợ sẽ được thành lập để giải quyết vấn đề nợ nần của các ngân hàng. Cuối cùng là một chương trình toàn diện để bảo vệ tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Chương trình này sẽ hỗ trợ cho quỹ giải cứu mới, Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) có thể trực tiếp bơm vốn vào các ngân hàng khó khăn, đặc biệt là ở Ireland. Anh và các thành viên khác của EU được kêu gọi bật đèn xanh cho kế hoạch của ECB
Nguyễn Tâm (theo Bloomberg)