Đại diện ngoại giao của EU, Catherine Ashton, đánh giá cuộc tấn công hóa học ở Syria là "sự vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại toàn nhân loại".
"Một phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ của quốc tế là rất quan trọng, khẳng định những tội ác như thế không được chấp nhận và sẽ bị trừng phạt", bà Ashton nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội nghị các ngoại trưởng EU ở Litva hôm qua.
Tuy nhiên, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU nói rằng không nên tiến hành tấn công quân sự trước khi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học công bố kết quả điều tra.
Bà Ashton cũng cho biết thông tin từ nhiều nguồn khác nhau đã xác nhận một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được thực hiện và "dường như cho thấy chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm" vì đó là lực lượng duy nhất "có thể sở hữu vũ khí hóa học cùng với phương tiện vận chuyển nó".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Nga, tuyên bố rằng cuộc tấn công vào Syria sẽ không biến quốc gia này thành một "Iraq hay Afghanistan thứ hai".
"Nước Mỹ không thể nhắm mắt làm ngơ trước hình ảnh người dân vô tội bị tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Hành động quân sự sẽ được hạn chế, cả về thời gian và quy mô. Kế hoạch tấn công được thiết kế phù hợp để ngăn chính phủ Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa", ông cho biết trong một bài phát biểu hàng tuần trên truyền hình.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và sẵn sàng viện trợ cho Syria.
"Chúng tôi sẽ giúp Syria hay không ư? Chúng tôi có. Chúng tôi đang giúp họ, cung cấp vũ khí, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, và tôi hy vọng chúng tôi sẽ hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực nhân đạo, để giúp những người dân thường đang trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại", Putin nói tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị G-20.
Ông Obama tương đối bị cô lập với kế hoạch tấn công ở Hội nghị thượng đỉnh G-20, Guardian cho hay. Trong số 19 quốc gia còn lại, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Saudi Arabia và Pháp ủng hộ can thiệp. Đức tỏ ra "thận trọng", quan điểm của thủ tướng Anh đại diện cho "nguyện vọng nhân dân", còn Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Argentina, Brazil, Nam Phi và Italy đều phản đối hành động quân sự.
Nguyễn Tâm