Yêu cầu này được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trong dự thảo nghị quyết sẽ được công bố ngày 20/7, theo Financial Times. Theo dự thảo nghị quyết, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đặt mục tiêu cắt giảm sử dụng khí đốt tự nguyện cho các thành viên.
EU cảnh báo nếu các quốc gia thành viên không "ngay lập tức" giảm tiêu thụ khí đốt và tăng cường tiết kiệm, khu vực có nguy cơ thiếu nhiên liệu trong mùa đông tới. Dự thảo lưu ý các mục tiêu tự nguyện sẽ trở thành bắt buộc trong trường hợp nguồn cung gián đoạn nghiêm trọng.
"Cùng hành động ngay lúc này sẽ giúp tạo ra ít xáo trộn và gián đoạn hơn, củng cố đoàn kết và tránh phải áp dụng các biện pháp ngoài kế hoạch sau này khi xảy ra kịch bản khủng hoảng với dự trữ khí đốt xuống thấp", EC viết trong tài liệu.
Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, nhưng từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2, nguồn cung này ngày càng giảm. Nga đã dừng vận chuyển khí đốt đến ba nước vùng Baltic cũng như Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria, đồng thời giảm nguồn cung tới Đức và Italy.
Trong dự thảo nghị quyết, EC cho biết dòng chảy khí đốt từ Nga sang EU trong tháng 6 đã thấp hơn 30% so với trung bình giai đoạn 2016-2021. Châu Âu nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt Nga năm 2021 và tiêu thụ khoảng 400 tỷ m3 khí đốt trong một năm bình thường.
Giới chức châu Âu đang thảo luận về các mục tiêu, cách thức thực hiện biện pháp cắt giảm tiêu thụ khí đốt, do các quốc gia thành viên có nguồn cung và mức độ sử dụng năng lượng khác nhau. Một quan chức EU nói họ hiện bàn về hình phạt có thể áp dụng nếu các thành viên không chấp hành mục tiêu giảm sử dụng khí đốt bắt buộc.
Dự thảo nghị quyết cảnh báo GDP của EU có thể giảm tới 1,5%, nếu nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục suy giảm.
EC từ chối bình luận về các thông tin trên.
Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, thoát phụ thuộc Nga là chưa đủ và châu Âu đối mặt nguy cơ phải phân phối khí đốt theo định mức, nếu nhu cầu tiêu thụ không được tiết giảm để các cơ sở dự trữ có thể lấp đầy trước mùa đông.
Nga tháng trước đã giảm nguồn cung khí đốt cho Đức và IEA không loại trừ kịch bản nguồn cung này tiếp tục giảm. Fatih Birol, giám đốc điều hành IEA, nói châu Âu đang đối mặt với "cảnh báo đỏ" và cần "giảm thêm đáng kể lượng tiêu thụ để chuẩn bị đối phó mùa đông khắc nghiệt trước mắt".
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 18/7 ký thỏa thuận với Azerbaijan để nước này tăng 48% nguồn cung cho châu Âu trong năm nay, hướng tới gấp đôi trong năm 2027. Tuy nhiên, Azerbaijan chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung khí đốt của EU. Châu Âu cũng đang tìm đến Qatar, Mỹ, Israel và Nigeria trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.
Italy đang tìm cách tăng lượng khí đốt nhập từ Algeria. Công ty năng lượng Eni của Italy, TotalEnergies và Occidental của Pháp dự kiến ký thỏa thuận với Sonatrach của Algeria hôm nay về một dự án phát triển khí đốt mới trị giá 4 tỷ USD, từ đó giúp tăng nguồn cung.
Như Tâm (Theo FT)